Nhân lực là yếu tố quan trọng số 1 trong công tác vận hành thị trường điện. Ảnh: Ngọc Loan
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (DHD) khẳng định, muốn tham gia thị trường phát điện cạnh tranh hiệu quả, nhân lực là yếu tố quan trọng số 1. Lực lượng này ít (DHD chỉ có 2 người) nhưng phải “tinh”, nhạy bén, biết phân tích đánh giá và am hiểu các quy luật của thị trường; có khả năng phân tích hệ thống và nắm vững các đặc tính vận hành hồ chứa, tình hình thuỷ văn cũng như hoạt động của các thiết bị tại các nhà máy tham gia thị trường, trên cơ sở đó thiết lập các bản chào giá thử nghiệm để lựa chọn giá tối ưu. Ông Oánh cho biết, ngay từ năm 2009, DHD đã có kế hoạch tuyển chọn từ những trưởng ca có kinh nghiệm về vận hành hệ thống, tập dượt chào giá nội bộ ứng với những tình huống khác nhau để làm quen với thị trường. Cùng với việc tổ chức nhiều khoá học, hội thảo, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị bạn, DHD cũng rất chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ, hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu, nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, đảm bảo các tổ máy luôn sẵn sàng phát điện theo yêu cầu của thị trường. Cũng theo ông Oánh, chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá trị thặng dư do chào giá không nhiều nhưng nếu biết lựa chọn thời điểm hợp lý thì cũng “ra vấn đề”. Bằng chứng là, năm 2012, trong hơn trăm tỷ đồng lợi nhuận của DHD có 30% đóng góp từ giá trị tăng thêm do tham gia VCGM. Trong đó, vai trò của bộ phận tham mưu và Tổng giám đốc – người quyết định giá chào - là rất quan trọng.
Theo Cục Điều tiết Điện lực (ERAV), để chuẩn bị nhân lực cho VCGM, ERAV đã phối hợp với EVN tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho hơn 300 cán bộ của các nhà máy tham gia VCGM trong và ngoài EVN. Nội dung tập trung vào các vấn đề cơ bản về thị trường điện, các thông tư và quy trình, quy định vận hành, chiến lược chào giá và kỹ năng tham gia thị trường…Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng chủ động chuẩn bị nhân lực, tập dượt các kỹ năng, thao tác trong tính toán, chào giá bán điện. Riêng đội ngũ kỹ sư trực tiếp vận hành thị trường điện đã được các chuyên gia của New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Braxin… trực tiếp đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm...
Nhờ vậy, sau hơn 1 năm chính thức hoạt động, đội ngũ giám sát và vận hành VCGM đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nguồn nhân lực các nhà máy chào giá trực tiếp được bồi dưỡng nâng cao kiến thức về VCGM, nắm được các phương thức huy động, hoạch định được các chiến lược chào giá phù hợp, các ca kíp được bố trí hợp lý, đảm bảo vận hành thị trường liên tục, không xảy ra sự cố bất ngờ.
Điển hình là EVNGENCO 1 đã sớm xây dựng và ban hành các quy định, quy chế liên quan đến công tác thị trường điện áp dụng chung trong toàn tổng công ty. Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm về công tác thị trường điện để nâng cao năng lực tham gia thị trường và thống nhất chiến lược chào giá cho các đơn vị thành viên. Trong đó, nhiều nhà máy đã đạt hiệu quả cao từ việc tham gia VCGM như: Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Phả Lại....
Theo các chuyên gia, để có một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, cần có sự đột phá trong các khâu quản lý, điều hành, có chiến lược đào tạo bài bản để đảm bảo nguồn nhân lực đủ trình độ tham gia thị trường, có khả năng làm chủ hoàn toàn thiết bị, máy móc để thị trường được vận hành ổn định, liên tục.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xây dựng và ban hành quy chế rõ ràng, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường VCGM. |