Thời cơ cho điện gió tại Việt Nam

Thứ sáu, 20/9/2019 | 09:15 GMT+7
Giai đoạn tiếp theo của chương trình năng lượng tái tạo Việt Nam tập trung vào điện gió và Việt Nam rất có tiềm năng gió ngoài khơi.

"Cánh đồng điện gió" Bạc Liêu

Mới đây, theo báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam, nhờ sự kiên định của mình trong công tác quản lý chương trình biểu giá mua bán năng lượng sạch hòa lưới (FiT) áp dụng cho điện mặt trời, đã được đền đáp bằng những thành tích ấn tượng về công suất năng lượng tái tạo.
 
Báo cáo phân tích thành công của Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời cùng với các bước cần thiết nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả cho chương trình năng lượng tái tạo của Việt Nam. Điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tại một thời điểm khi các dự án nhiệt điện than chạy nền ì ạch của quốc gia phải đối mặt với các thách thức mới về môi trường và gây tổn hại về mặt kinh tế do những bước tiến nhanh chóng trong các giải pháp về năng lượng tái tạo tiết kiệm chi phí.
 
Theo báo cáo, giai đoạn tiếp theo của chương trình năng lượng tái tạo Việt Nam tập trung vào điện gió và Việt Nam rất có tiềm năng gió ngoài khơi. Để thành công, cần ưu tiên các nguồn lực đầu tư mới vào lưới điện và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải làm việc cẩn thận để đảm bảo các chính sách mới tiếp tục hỗ trợ giá cả cạnh tranh.
 
Tác giả của báo cáo Melissa Brown, cố vấn tài chính năng lượng của IEEFA, cho biết chương trình điện mặt trời thành công của chính phủ Việt Nam là một điểm nhấn nổi bật giữa các thị trường năng lượng phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á.
 
“Việc hòa được vào lưới điện 4,46 gigawatt công suất điện mặt trời mới trong hai năm là một thành tựu to lớn. Điều này thực sự khẳng định được những tham vọng về năng lượng tái tạo của chính phủ Việt Nam”, bà Brown cho biết và nói thêm: “Thách thức hiện tại là ưu tiên các chương trình có thể cung cấp đúng loại công suất lưới điện để phục vụ các giải pháp năng lượng tái tạo. Với việc nâng cao công suất truyền tải hiện có, các chương trình đấu giá công suất mới và ưu đãi giá để có công suất linh hoạt hơn có thể đáp ứng một phần lớn hơn nhu cầu điện năng của Việt Nam”.
 
Bà Melissa Brown nhận định về những khó khăn và triển vọng của Việt Nam về lĩnh vực năng lượng điện tái tạo
 
Chính phủ đặt mục tiêu các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ chiếm 21% công suất lắp đặt vào năm 2030, với tỉ lệ điện mặt trời và điện gió chiếm khoảng 11%.
 
Quy hoạch Tổng thể Phát triển Điện lực Quốc gia được điều chỉnh giai đoạn VII (Quy hoạch Tổng thể VII) hiện dự báo tăng trưởng thương mại ở mức 10,3% hàng năm cho đến năm 2020. Kế hoạch kêu gọi bổ sung công suất từ 6.000 - 7.000 megawatt mỗi năm để đáp ứng nhu cầu gia tăng và điện gió có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu này.
 
“Lĩnh vực điện mặt trời đang phát triển mạnh mẽ và sự gia tăng số lượng các dự án điện gió cho thấy Việt Nam có thể thu hút đầu tư từ các nhà phát triển dự án chất lượng cao, họ là những đối tác mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các dự án năng lượng tái tạo đầy tham vọng”, bà Brown nhận định.
 
“Các quan hệ đối tác mới giữa các nhà phát triển dự án trong và ngoài nước sẽ rất quan trọng đối với các dự án điện gió ngoài khơi vốn yêu cầu khắt khe về kỹ thuật”.
 
Báo cáo gợi mở các địa điểm gần bờ và ngoài khơi có tiềm năng lớn nhất đối với lĩnh vực điện gió và có thể được xây dựng gần các khu vực có nhu cầu điện năng lớn nhất, như thành phố Hồ Chí Minh.
 
“Dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà, được hậu thuẫn bởi một tổ hợp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, sẽ là dự án quan trọng cần theo dõi và nó có thể giúp thiết lập các tiêu chuẩn cho các dự án điện gió ngoài khơi khác”, bà Brown nhận xét.
 
Một việc cũng quan trọng là phải xem liệu các ngân hàng và các nhà đầu tư toàn cầu có thể hợp tác để xây dựng các giải pháp tài chính phù hợp cho lĩnh vực điện gió Việt Nam.
 
Báo cáo phát hiện một trong những trở ngại chính để Việt Nam khai thác triệt để việc bổ sung công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong hiện tại và tương lai là tình trạng của lưới điện.
 
“Việt Nam cần tài trợ xây dựng một lưới điện có khả năng sẵn sàng tiếp nhận điện từ nhiều nguồn sản xuất khác nhau”, bà Brown nhận xét. “Các nguồn vốn mới bao gồm trái phiếu xanh có thể là một phần tài trợ quan trọng”.
 
“Thị trường đang chờ đợi và các nhà đầu tư đang theo dõi để xem chính phủ xác định tham vọng năng lượng tái tạo của mình như thế nào với các mục tiêu mới trong Quy hoạch Tổng thể Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn VIII và các kế hoạch nâng cấp lưới điện trong đó. Các nhà đầu tư và các nhà phát triển dự án sẵn sàng chấp nhận rủi ro tại các thị trường đang ở giai đoạn tăng trưởng như Việt Nam nếu như nhà nước có thể cải thiện từng bước để hỗ trợ phát triển các danh mục tài sản có khả năng mở rộng”.
Theo: Năng lượng Sạch VN