“Nếu sử dụng điện năng lượng mặt trời, gặp mưa bão, mất điện thì sao?”; “Tôi lắp pin năng lượng, dư điện thì có được đưa hòa lưới điện quốc gia và bán lại không” – là một số câu hỏi được các đại biểu đặt ra tại hội thảo "Sử dụng năng lượng tiêt kiệm và hiệu quả; Giới thiệu mô hình giải pháp tiết kiệm điện của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương” diễn ra chiều 19.5 do TCty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) và Sở Công thương tỉnh Bình Dương tổ chức.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Bình Dương, hiện nay, một đơn vị phát điện muốn hòa lưới điện, bán điện lại thì phải thuộc quy hoạch điện lưới quốc gia, được sự chấp thuận, phê duyệt của Chính phủ dưới sự tham mưu của Cục Năng lượng. Còn về việc các đơn vị lo lắng khi sử dụng điện năng lượng mặt trời gặp mưa bão, đại diện Cty Vũ Phong (đơn vị chuyên về ngành điện năng lượng mặt trời) cho biết: Khi nguồn điện năng lượng mặt trời tăng – giảm thì tương ứng với đó là nguồn điện từ điện lưới quốc gia sẽ giảm hoặc tăng lên sao cho đảm bảo đủ điện để hoạt động. Hiện nay, một số dự án điện mặt trời tiêu biểu đã và đang ứng dụng như Trung tâm hành chính Bình Dương, Trung tâm Logistics ICD Sóng Thần (đang triển khai, sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới)..
Bên cạnh phương pháp tiết kiệm điện từ sử dụng điện năng lượng mặt trời, hội thảo còn giới thiệu các giải pháp tiết kiệm điện trong ngành kinh doanh và dịch vụ đã và đang được áp dụng nhằm giảm chi phí điện năng như sử dụng máy biến tần (có thể tiết kiệm 50% lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị điện của các nhà máy); giám sát năng lượng (có thể tiết kiệm từ 2 - 10% tiền điện); sử dụng bóng đèn và các thiết bị tiết kiệm điện;...
Theo Sở Công thương Bình Dương, trong những năm qua, sở đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể là giúp doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, tư vấn giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và ứng dụng các giải pháp vào sản xuất kinh doanh.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng nhưng không quá 50 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp; hỗ trợ 30% chi phí nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng cho mỗi mô hình quản lý sử dụng tiết kiệm và hiệu quả mà các doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Dự kiến có 100 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để tham gia chương trình hỗ trợ này trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Hội thảo cũng đã trao giải thưởng cho các doanh nghiệp có ý tưởng, giải pháp xuất sắc tại "Ngày hội tiết kiệm điện 2017" gồm Cty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (giải nhất), Cty CP Cao su Trường Phát (giải nhì), Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - CN Bình Dương (giải ba), Cty TNHH Wattems Việt Nam (giải khuyến khích).
Theo: Lao động