Tham dự Lễ khởi công có đồng chí Hoàng Trung Hải – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Lãnh đạo các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản – JICA (đơn vị tài trợ vay vốn cho dự án), Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1), Công ty CP thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, đại diện các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, các đơn vị thi công xây dựng công trình; đơn vị Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim có quy mô 01 tổ máy lắp mới, công suất định mức 80 MW (Nhà máy hiện hữu được xây dựng từ năm 1960 gồm 4 tổ máy, công suất định mức 4x40MW). Sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của Nhà máy Đa Nhim từ 160 MW lên 240 MW. Các hạng mục xây dựng mới công trình mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim gồm: Cửa nhận nước; đường hầm áp lực, tháp điều áp, nhà van, đường ống áp lực, Nhà máy (hồ chứa, đập dâng và đập tràn, kênh xả sử dụng dùng chung của nhà máy hiện hữu). Tổng diện tích chiếm đất của dự án là 31,25 ha. Dự án không phải di dân, tái định cư. Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 1.952 tỷ đồng.
Dự án mở rộng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim sử dụng vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản (85% Tổng mức đầu tư của dự án) và vốn đối ứng của chủ đầu tư (15%).
Dự án do Công Cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi làm Chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ cung cấp điện năng cho Hệ thống điện Quốc gia với công suất 80 MW, sản lượng tăng thêm toàn nhà máy bình quân hàng năm khoảng 99 triệu kWh.
Theo kế hoạch tiến độ, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm tổ máy trong quý 1/2018 và vận hành thương mại trong quý 2/2018. Về cơ bản, dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ chuyển chế độ vận hành từ chạy đáy sang chạy lưng và phủ đỉnh, góp phần tăng tính ổn định cho Hệ thống điện Quốc gia, duy trì ổn định cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư vùng hạ lưu nhà máy. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
1. Tổng công ty Phát điện 1
Văn phòng
Điện thoại: 033 658 9162/0333.854284 Fax: 0333.854181.
Địa chỉ: Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh.
2. Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi/ Ban QLDA mở rộng thủy điện Đa Nhim
Điện thoại: 063.37828171 Fax: 0633866457
Địa chỉ: số 80A đường Trần Phú, Thành phố Bảo lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Ông Lưu Xuân Vịnh – Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận: Trong bối cảnh hiện nay việc xây dựng dự án có ý nghĩa rất lớn nhằm tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Chủ động hơn trong việc cấp nước cho tỉnh vào mùa khô, giảm tình trạng thiếu nước canh tác và sinh hoạt, để phát triển công, nông nghiệp bên vững. Góp phần tăng doanh thu cho Doanh nghiệp và địa phương từ việc tăng sản lượng điện sản xuất. Và một thuận lợi nữa là Dự án không phải thực hiện di dân tái định cư.
Ông Dương Quang Thành – Chủ tich HĐTV EVN: Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ năm 2018. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo quyết tâm khởi công dự án đúng tiến độ và sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhằm đảm bảo đưa vào vận hành tổ máy vào Quý I / 2018.
Phát biểu của đại diện JICA – Nhật Bản: Quan hệ hợp tác liên quan đến Nhà máy Thủy điện Đa Nhim giữa Nhật Bản và Việt Nam bắt đầu từ những năm 1955 khi kế hoạch phát triển nguồn điện Đa Nhim được xây dựng trong khuôn khổ bồi thường sau chiến tranh đối với Việt Nam. Mặc dù đã gặp rất nhiều khó khăn khi khởi công vào năm 1961, công trình đã hoàn thành vào năm 1964 sớm hơn kế hoạch. Nhà máy có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho tỉnh Ninh Thuận và khu vực phía Nam. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu được thi công cùng với nhà máy thủy điện đã giúp nông dân tại Phan Rang có thể thu hoạch 1 năm 2 vụ. Việc thực hiện dự án mở rộng lần này đã được Chính phủ hai nước đồng ý vào năm 2013 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hện ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trải qua lịch sử hơn nửa thế kỷ, nhà máy thủy điện Đa nhim là công trình biểu trưng cho mối quan hệ vững chắc giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Xem bài phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải TẠI ĐÂY.