Ông Bùi Văn Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Hòa Bình có ông Bùi Văn Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN, ông Nguyễn Đức Thiện – Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), đại diện EVNNPT và các đơn vị liên quan.
Đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Hòa Bình
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được cấp điện từ 3 trạm biến áp 500/220kV với công sất 1.525 MVA kết nối nhà máy điện Hòa Bình, Sơn La các trạm 500kV và 220kV trong khu vực cung cấp điện cho phụ tải các khu công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế khu vực Hòa Bình như: TBA 500kV Hòa Bình công suất 2x450MVA, TBA 220kV Xuân Mai (công suất 2x250MVA), TBA 220kV Yên Thủy (công suất 1x125MVA). 2 đường dây 500kV Hòa Bình – Sơn La; Hòa Bình – Nho Quan khoảng 296km và 10 đường dây 220kV kết nối lưới điện 500kV Nho Quan – Hà Đông – Hòa Bình; Hòa Bình – Xuân Mai, Yên Thủy – Nho Quan, Yên Thủy – Hòa Bình, tương đương 345,8 km đường dây 220kV.
Ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN phát biểu tại buổi làm việc.
Trong thời gian vừa qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân. Trong đó, điện thương phẩm giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 9,75%/năm. Giai đoạn 2021-2022, tăng trưởng thương phẩm đạt 9,63%/năm. Điện thương phẩm 9 tháng đầu năm 2023 đạt 973 triệu kWh, tăng 7,62% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến điện thương phẩm năm 2023 đạt 1,31 tỷ kWh, tăng 8,06%/năm.
Để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Hòa Bình, trong thời gian qua, EVN và EVNNPT đã đầu tư nhiều công trình lưới điện truyền tải như: Cải tạo Đường dây 220kV Hòa Bình – Hà Đông (2x62km): năm 2020; Nâng công suất TBA 220kV Hòa Bình (2x63=>2x125MVA) năm 2021; Cải tạo ĐD 220kV Sơn Tây – Hòa Bình (50,7km), năm 2021; TBA 220kV Yên Thủy và đấu nối (125MVA, 4x3km, năm 2022; Cải tạo Đường dây 220kV Hòa Bình - Chèm (74km), năm 2022.
Các công trình đang triển khai đầu tư gồm Đường dây 500/220kV Nho Quan – Phủ Lý – Thường Tín (500kV: ~45km, 220kV: ~50km; đi qua huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình).
Đối với lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư theo Quy hoạch để cấp điện cho phụ tải cũng như nâng cao năng lực và tạo mạch vòng lưới điện 110kV phục vụ đấu nối các NMTĐ trên địa bàn tỉnh.
Cần sự phối hợp của chính quyền địa phương
Đại diện Ban QLDA Điện 1 phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Cường – Thành viên HĐTV EVN cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên gặp phải các khó khăn, vướng mắc về công tác quy hoạch, về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án.
Để thực hiện được chương trình đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, EVN và các đơn vị trực thuộc đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035.
Đối với dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng: Tập đoàn kính đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo các sở, ban ngành, thành phố Hòa Bình tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng.
Đối với các dự án lưới điện, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành điện (EVNNPT, EVNNPC, PC Hòa Bình) trong công tác lập, trình, thẩm định Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình (trong đó có danh mục các dự án điện, kế hoạch sử dụng đất,...) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện, trong đó đề xuất các có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Hỗ trợ EVNNPT, EVNNPC trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Khánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình gửi lời cảm ơn Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã quan tâm, đầu tư phát triển hệ thống điện trên địa bàn, góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình. Đối với những đề xuất kiến nghị của EVN, ông Bùi Văn Khánh cam kết chỉ đạo, điều phối và giao cho Sở Công thương cùng Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hòa Bình làm đấu mối, phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để giải quyết kịp thời, nhanh chóng mọi vướng mắc, đảm bảo triển khai công tác xây dựng nguồn và lưới điện trên địa bàn theo đúng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.