Quản lý năng lượng

Thống nhất loại PVC khỏi nhiệt điện tỷ USD

Thứ tư, 31/1/2018 | 10:16 GMT+7
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép loại nhà thầu PVC khỏi dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, đồng thời được áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Nhiều bộ ngành đồng ý với đề xuất này.

Phối cảnh dự án nhiệt điện Quảng Trạch I.
 
Như VietNamNet đã đưa tin, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép loại nhà thầu PVC khỏi dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, đồng thời được áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Lý do là PVC không đủ năng lực, uy tín.
 
Dự án này ban đầu do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư, PVN đã chỉ định thầu PVC - Lilama thực hiện dự án. Năm 2016 dự án này được chuyển giao cho EVN thực hiện.
 
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo về đề xuất của EVN sau khi họp với các bộ ngành, với hàng loạt quan điểm khác nhau.
 
Bộ Công Thương cho rằng: Từ năm 2018 phía Nam Việt Nam đã thiếu điện sử dụng, đồng thời việc không triển khai dự án điện hạt nhân đòi hỏi trong tương lai phải bù đắp điện năng bằng các nhà máy điện khác. Do đó, nhu cầu triển khai, đưa nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào hoạt động là cấp thiết.
 
Bộ này đồng tình để EVN lựa chọn nhà thầu nhanh chóng, EVN chủ động lựa chọn nhà thầu, không cần thiết phải lựa chọn liên danh PVC - Lilama.
 
Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chỉ định liên danh PVC - Lilama là theo đề nghị của PVN với tư cách là chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án được bàn giao cho EVN từ tháng 10/2016. Hợp đồng giữa PVN và liên danh này đã được thanh lý cũng như năng lực kinh nghiệm của PVC đã thay đổi nên việc EVN đề nghị không sử dụng liên danh này là có cơ sở và phù hợp với thực tiễn.
 
Về việc cho EVN áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, theo Bộ Tài chính, EVN cần so sánh hai phương án lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để thấy được lợi thế, hiệu quả đối với từng phương án.
 
Bộ Tư pháp nhận định: Thực tế có phản đối của người dân liên quan đến môi trường khu vực dự án, như vậy cần phải lựa chọn nhà thầu một cách chặt chẽ, tạo sự cạnh tranh công bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho rằng EVN cần giải trình nguồn huy động vốn, đầu tư công hay vốn sản xuất kinh doanh của tập đoàn; tính khả thi của nguồn vốn. Đây là điều kiện ràng buộc để triển khai lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án, tránh tình trạng nợ đọng nhà thầu.
 
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị EVN giải trình tính đặc thù, đặc biệt của gói thầu, dự án; Làm rõ nếu vẫn áp dụng đấu thầu rộng rãi thì dẫn đến những hệ quả nào,...
 
Trường hợp EVN tiếp tục đề xuất lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt thì phương án đề xuất cần bao gồm nội dung cụ thể như: Đề xuất các bước trong phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt gắn với các mốc tiến độ, thời gian cụ thể trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng; Các biện pháp, giải quyết cần thiết trong phương án đề xuất để đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm, đáp ứng hiệu quả về giá, kỹ thuật, chất lượng, tiến độ của gói thầu, đặc biệt đảm bảo vấn đề môi trường.
 
 
Báo mới