Có một công việc mà hầu như chúng ta chưa bao giờ chú trọng, thậm chí xem nhẹ, nhưng lại là khâu cuối cùng của một dây chuyền kinh doanh, kết quả của công việc này nói không ngoa là bằng chứng xác thực, là “thước đo” hiệu quả kinh doanh, đó là: công tác thu ngân. Ấy vậy mà, công việc thu ngân là một công việc vô cùng vất vả, khó khăn, đòi hỏi nhiều ở người cán bộ thu ngân sự nhẫn nại, kiên trì, khả năng tuyên truyền, thuyết phục tốt thì mới mong hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Gia Lai là một địa bàn miền núi với địa hình trắc trở, giao thông đi lại khó khăn. Hiện tại đội ngũ thu ngân viên Điện lực Gia Lai có 68 người, trong đó có 21 thu ngân viên là nữ; đội ngũ này trực tiếp làm công tác thu tiền điện trên 230.000 khách hàng, bình quân mỗi thu ngân phải thu trên 3.400 khách hàng/tháng của 215/215 xã, phường với 1.737/1.906 tổ, buôn, làng trên toàn tỉnh. Hằng tháng, lực lượng thu ngân viên phải tiến hành thu tiền điện khách hàng sử dụng điện. Song, không phải đến một lần là thu được tiền điện của khách sử dụng mà nhiều khi đi đến “năm lần, bảy lượt” cũng chưa thu được tiền điện. Vậy mà, lại hứng chịu sự bực dọc, phản đối của khách hàng khi “giật mình” thấy phiếu thanh toán quá cao, hoặc thắc mắc các chỉ số. Trong những trường hợp như thế cán bộ thu ngân kiêm luôn công tác “dân vận”. Vẫn biết, khách hàng không đóng tiền theo đúng quy định thì cắt điện, nhưng làm như vậy chỉ khi vào thế “chẳng đặng đừng”. Cũng có một số cán bộ vì lười đi lại, khả năng giải thích thuyết phục hạn chế đã báo đơn vị cắt điện khi chưa làm hết trách nhiệm nên ảnh hưởng đến ngành điện mang tiếng là “độc quyền”.
Người ngoài không thấu hiểu hết nhưng thật sự thu ngân viên Điện lực là một nghề ngẫm ra cũng lắm nhiêu khê. Có những khách hàng dùng điện vô tư mà không hề tiết kiệm, hằng ngày máy giặt, ti vi, điều hoà, tủ lạnh... họ cho chạy “tẹt ga”; thế nhưng mỗi tháng khi nhân viên điện lực đến nhà thu tiền điện thì thắc mắc, gây khó dễ, thậm chí xúc phạm đến nghề nghiệp, tuy con số này không nhiều nhưng vẫn cứ xảy ra. Công việc thu ngân đối với người đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn hơn nhiều, đường sá đi lại các thôn làng rất khó khăn, địa bàn rộng phức tạp, phần lớn người dân ở những vùng này không biết tiếng phổ thông, để thu được tiền các thu ngân phải dạy từ 05 giờ sáng đến các điểm thu và 7 - 8 giờ tối mới về đến nhà. Chỉ cần vì một lý do gì đó đến trễ một tí là coi như ngày hôm đó “công cốc”. Tâm sự với tôi, anh Lê Khánh Trung - thu ngân viên Chi nhánh điện Đức Cơ cho biết: Làm nghề này vất vả lắm anh ạ, có những lúc trời mưa đường trơn trượt em phải gửi xe đi bộ hàng chục cây số mới tới điểm thu, khi đến nơi thì bà con đã đi làm nương thế là em lại phải quay về, nhưng chúng ta ai cũng ngại khó thì làm sao làm được. Chúng tôi phải tìm hiểu được đời sống, tập quán của bà con như: lúc nào bà con đi làm rẫy, lúc nào về, ai là người có uy tín trong thôn để vận động bà con nộp tiền... và nhiều lúc phải cùng ăn cùng ở với bà con.
Tôi chợt hiểu ra để đạt mức thu 99% khách hàng với anh Lê Khánh Trung là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Còn chị Trương Thị Đài thì bộc bạch: Nhiều khi để thu được đồng tiền của người dân chúng em đã khản cả giọng để tuyên truyền cho bà con hiểu về chủ trương chính sách, phải vận dụng hết khả năng dân vận.
Theo Bản tin CĐ T4/2009