Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính ghi nhận sự đóng góp quan trọng, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng với sự phát triển của đất nước.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế; là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng; đẩy mạnh các động lực mới về tăng trưởng liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài…
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực, những kết quả đạt được của các doanh nghiệp nhà nước.
Nhấn mạnh chiến lược đúng đắn sẽ giúp vượt qua thách thức, Thủ tướng yêu cầu các DNNN cần tái cấu trúc quản trị, cụ thể là tái cấu trúc bộ máy hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tái cấu trúc lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng; tái cấu trúc về vốn, bảo đảm an toàn, phát triển vốn, tập trung cho đầu tư phát triển; tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kinh tế cả ở trong nước và nước ngoài; bảo đảm tăng trưởng, từ đó đóng góp cho tăng trưởng chung, ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống của người lao động.
"Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay", Thủ tướng nói.
Với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, "không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm", phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.
EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An) cho biết, ngành Điện Việt Nam sau 69 năm phát triển đã đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tổng công suất nguồn điện; Tốc độ tăng trưởng điện giai đoạn 2010 - 2019 ở mức cao, trung bình là 10,35%.
Riêng năm 2023, sản lượng điện cả nước là 280,6 tỷ kWh, tăng trưởng 4,56%. Khối lượng đầu tư của EVN đạt 90.997 tỷ đồng, giải ngân đạt 87.545 tỷ đồng, cao nhất khối các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Năm qua, EVN đã khởi công 146 dự án, đóng điện 163 dự án lưới điện từ 110-500kV.
Chỉ tiêu tổn thất điện năng, chỉ số tiếp cận điện năng, độ tin cậy cấp điện cho khách hàng nằm trong TOP 4 ASEAN. Chuyển đổi số và tự động hóa có nhiều kết quả tích cực: 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4; 96,3% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, 97% số trạm biến áp 110-220kV được tự động hóa hoàn toàn, vận hành không người trực (riêng trạm biến áp 110kV đạt 100%).
Đến nay, EVN đã cấp điện đến 11/12 huyện đảo, bao gồm cả huyện đảo Trường Sa; 99,74% số hộ dân cả nước, trong đó 99,6% số hộ dân nông thôn đã được sử dụng điện; 94,5% số xã đạt tiêu chí số 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Tập đoàn và các đơn vị nộp ngân sách nhà nước 21.000 tỷ đồng.
Năm 2023, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng EVN cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2024, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị chủ chốt, đặc biệt là đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Hiện nay, EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), với sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh (tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023).
Song song đó, Tập đoàn cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện. Trong đó, tập trung cho các công trình trọng điểm như: Dự án Thủy điện Yaly mở rộng, Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trạch 2, khởi công Dự án Thủy điện Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bác Ái; Đặc biệt, dồn sức thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) để đóng điện trước 30/6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, EVN cũng phấn đấu cân bằng tài chính; bảo đảo việc làm đời sống người lao động; thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả để nâng cao năng suất lao động; minh bạch hóa hoạt động, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, phục vụ tốt hơn cho khách hàng. Tập đoàn đang tập trung sửa đổi nề nếp làm việc, sửa đổi, thay thế các quy chế, quy định quản lý nội bộ theo hướng tăng mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền gắn với trách nhiệm; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cán bộ, đảng viên, người lao động; trách nhiệm nêu gương, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.