Thi công hệ thống cáp ngầm điện lực trên đường phố Đà Lạt.
70% đường trung thế được ngầm hóa
Theo ông Nguyễn Văn Trí- Giám đốc Điện lực Đà Lạt, "Chương trình “ngầm hóa” đưa hệ thống dây cáp điện xuống đất, đã được bắt đầu từ năm 2003. Đà Lạt may mắn là 1 trong 4 thành phố cả nước lúc đó được thụ hưởng chương trình ngầm hóa hệ thống điện nội ô với nguồn vốn rất lớn được cấp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện. 4 thành phố này trong chương trình ngầm hóa này là Cần Thơ, Vũng Tàu, Biên Hòa và Đà Lạt. Riêng tại Đà Lạt, tổng vốn để ngầm hóa hệ thống điện cần khoảng 150 tỷ đồng tính theo thời điểm năm 2003".
“Điểm thuận lợi là tỉnh và thành phố rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho ngành Điện trong việc thi công. Hầu hết các con đường trong khu vực trung tâm đều được thi công để từng bước đưa hệ thống điện chạy ngầm dưới đất” – ông Trí cho biết.
Điện lực Đà Lạt đến nay đã ngầm hóa khoảng 70% đường điện trong khu vực nội thành Đà Lạt. Riêng với các con đường điện vùng ven Đà Lạt, Điện lực Đà Lạt cũng đã từng bước thay dây trần bằng dây bọc đảm bảo an toàn hơn.
Đến thời điểm này, theo ông Nguyễn Anh Vũ - Phó phòng Kỹ thuật - Kế hoạch của Điện lực Đà Lạt, "Điện lực Đà Lạt đang cấp điện cho 79.303 khách hàng với địa bàn cấp điện trải rộng 12 phường, 4 xã của Đà Lạt; Hệ thống đường dây trung thế 22kV của đơn vị có độ dài tổng cộng trên 400,2 km, trong đó, tài sản của Điện lực là 315,4km, và 84,83km là của khách hàng. Đối với, ngầm hóa đường điện trung thế bằng cáp ngầm, có 83,5 km đường điện trung thế 22kV của thành phố được ngầm hóa, trong đó, tài sản của Điện lực Đà Lạt dài 62,859km; phần 20,6km ngầm hóa còn lại là tài sản của khách hàng; 791 trạm biến áp với 286.237,5 kVA; trong đó có 68 trạm hợp bộ cùng cột thép đấu nối từ lưới điện trung thế ngầm với 41.120kVA; 640,137 km đường dây hạ thế 0,4kV, trong đó tài sản của Điện lực là 541,8km và trên 99km là của khách hàng lắp đặt. Đường dây hạ thế này mới chỉ được ngầm hóa tại một số tuyến đường trung tâm hoặc tại các khu quy hoạch mới như đường Phạm Hồng Thái, đường Trần Phú, Khu qui hoạch dân cư số 5 An Sơn hay Khu qui hoạch Thánh Mẫu…".
Cần thêm nguồn vốn
Đường điện trung thế được chôn ngầm dọc theo các con đường tring khu vực nội ô Đà Lạt.
Theo ông Trí, ngầm hóa hệ thống điện không chỉ giúp cải thiện, nâng mỹ quan của thành phố Đà Lạt mà còn mang lại không ít lợi ích cho người sử dụng lẫn đơn vị cấp điện. Xác xuất sự cố điện xảy ra rất thấp; tổn thất điện giảm nhiều; hành lang lưới điện an toàn hơn so với dây trần chạy trên cao.
Với rất nhiều ưu điểm như vậy, ông Trí khẳng định, "Ngầm hóa hệ thống cấp điện, lưới hạ thế trong vùng nội ô thành phố càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là vốn”.
Cứ trung bình một km ngầm hóa như thế, theo ông Trí, phải cần khoảng 5,5 tỷ đồng với dây cáp điện. Còn nếu có thêm cáp viễn thông phải cần từ 6-7 tỷ đồng.
Ông Trí cho hay, Điện lực Đà Lạt rất cần thành phố và tỉnh tạo điều kiện về nguồn vốn, hỗ trợ, giúp đỡ để ngành Điện tiếp tục chương trình ngầm hóa phần còn lại đường cáp điện trung thế và cáp điện hạ thế của hệ thống điện trong vùng nội ô thành phố.