Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng: "Phải nói ngành điện cũng hết sức cố gắng!"
Kinh tế nước ngoài thì hiện nay chiếm khoảng 20% GDP nhưng họ lợi nhuận bao nhiêu thì đầu tư chắc phải có lợi nhuận. Tôi xin nói thế này: Đến hôm nay cả nước ta còn khoảng hơn 11.000 dự án đầu tư của nước ngoài hầu hết là thành công, tôi dùng từ hầu hết coi như là các dự án đầu tư nước ngoài đều có hiệu quả, đóng góp khoảng 20% GDP nhưng lợi nhuận trong đó là bao nhiêu tôi cũng chưa được tổng kết chính xác mà sắp tới đây Bộ kế hoạch và Đầu tư, anh Phạm Gia Khiêm sẽ chủ trì tổng kết đánh giá. Nhưng theo các dự án họ trình bày để trước khi chúng ta cấp phép thì lợi nhuận không có dự án nào dưới 20%, tôi xin được cung cấp thông tin như thế.
Hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, đúng như tôi trình bày với các vị, vai trò vị trí và đầu tư có cái được có cái hiệu quả chưa cao như tôi vừa trình bày và sắp tới làm gì tôi cũng đã trình bày, ngoài những cái đã nêu trước đây đã có trong Nghị quyết của Đảng, trong chủ trương của Nhà nước, của Chính phủ, trong luật pháp đã quy định thì lần này tôi có nhấn một là, hai là, tới năm là, tôi xin không nhắc lại nữa, tôi cũng vừa trình bày để làm những gì trước mắt thì 5 việc chúng tôi vừa nêu với các vị để rồi doanh nghiệp Nhà nước chúng ta vươn lên, phát huy những cái tốt, ưu điểm, kết quả, khắc phục nhanh chóng những hạn chế yếu kém để làm tốt hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thưa các đồng chí, rất nhiều doanh nghiệp chịu rất nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên làm tốt, được vai trò của mình. Đương nhiên sự việc nào cũng có 2 mặt, có mặt được, có mặt chưa được. Ví dụ, vừa rồi Thủ tướng Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ mà không có ngân hàng thương mại quốc doanh không điều hành được, tôi xin khẳng định một điều như thế. Lãi suất, tỷ giá, hỗ trợ nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đây là một thực tế. Nhưng nói trong các ngân hàng thương mại quốc doanh này chỉ có ưu điểm không thì không phải, cũng có những mặt hạn chế. Tinh thần như tôi vừa trình bày với các đồng chí là chúng ta phát huy cái tốt, cái ưu điểm này cùng đổi mới, tiếp tục đổi mới để nó có hiệu quả hơn.
Còn đầu tư, thưa các vị, như hôm qua Bộ trưởng Bộ Công thương có nói lợi nhuận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm vừa rồi là 3%. Hôm qua tôi xem lại các đồng chí báo cáo cho tôi lợi nhuận là 5%, là mức thấp. Nhưng vì sao thấp như thế? Chúng ta cũng phải hiểu bây giờ vì giá thành như thế, giá bán như thế, ngân sách không đưa ra bù lỗ mà ngành điện phải bù chéo, lấy chỗ bán cao để bù cho chỗ bán thấp. Bây giờ nói ngành điện mà dùng từ trả lại Chính phủ không biết xuất xứ từ đâu mà chắc là từ báo chí thôi, nhưng câu chuyện là thế này: Ngành điện, Tổng công ty điện lực Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước ra đời rất sớm, chúng ta xây dựng việc này từ khi miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đã hình thành ngành điện lực của chúng ta để xây dựng ngành điện và để cung cấp điện. Để bảo đảm điện cho năm 2015 và tiến tới năm 2025, chúng tôi thường gọi là tổng sơ đồ 6, tôi nhớ cũng không chính xác lắm nhưng phải đầu tư thêm khoảng 60.994MW, thôi nói là 61.000MW. Trong 61.000MW tôi kết luận phân công là Tổng công ty Điện lực phải đầu tư 34.745MW, còn lại là giao các tập đoàn khác và khuyến khích các thành phần kinh tế khác. Nếu 34.745MW này thì điện lực phải chiếm tới 57%, vì sao phải 57% để không độc quyền nhưng phải có một người chịu trách nhiệm chính muốn điện lực giữ tỷ lệ trên 50%.
Nhưng để có 34.745MW này phải đầu tư 882.700 tỷ thì điện lực các đồng chí chấp hành rất tốt, rất nghiêm, quyết liệt thu hồi vốn để đầu tư cho đủ 34 ngàn này nhưng do lợi nhuận như Bộ trưởng Bộ công thương trình bày, lợi nhuận thấp quá bây giờ cơ chế thị trường, các ngân hàng từ chối cho vay Chính phủ cũng phối hợp xử lý nhưng cuối cùng không đủ vốn. Chúng tôi có một cuộc họp về việc không đủ vốn là giảm bớt điện lực đi mà chuyển sang dầu khí và than cũng là ngành năng lực, dầu khí và than có điều kiện, có vốn tự có. Thông thường một công trình để ngân hàng cho vay thì anh có vốn tự có phải 30% còn điện lực giao cho nhiều thế này thì vốn tự có lại không được 30%, thậm chí lại không được tới 15% cho một dự án thì ngân hàng từ chối. Chính phủ không thể ra lệnh ngân hàng phải cho vay, cũng có ngân hàng quốc doanh chấp hành nhưng cho vay thì Chính phủ phải bảo đảm. Nhưng thấy ngành than và điện có vốn tự có thì chuyển bớt và điện lực mới đề xuất chuyển bớt qua cho dầu khí và than 13 dự án khoảng 283 ngàn tỷ. Đây không phải là sự từ chối thoái thác trả lại Chính phủ, nhân đây có các anh chị báo chí, tôi cũng xin nói các anh chị nên nói cho chính xác. Chính tôi là người trực tiếp điều hòa việc này, bây giờ mà nói điện lực đùn đẩy trả Chính phủ thì cũng tội cho cán bộ, công nhân, kỹ sư anh em ngành điện lực, cũng phải vất vả lắm, cố gắng lắm bây giờ mới có được 15.000MW hiện nay. Bây giờ tôi đã giao Bộ Công thương phân ra căn cứ vào vốn tự có còn lại bao nhiêu thì khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư.
Thưa các đồng chí, nói các thành phần kinh tế khác đầu tư nhưng cũng không dễ chút nào. Tới nay chúng ta mới chỉ có 2 dự án đầu tư BOT thôi là Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 3 1.200MW còn tất cả xin đầu tư đều dừng lại vì họ luôn luôn đòi giá bán điện cao mà giá điện cao thì chúng ta không mua, điện lực không mua vì Chính phủ đang quy định giá bán điện thấp như thế này, mua làm sao được cho nên đều dừng lại. Bây giờ chúng tôi đang xử lý làm sao để tăng giá điện một cách hợp lý, đảm bảo được giá thành có lãi định mức nhất định, ngành điện có đầu tư và khuyến khích, có lãi như thế thì khuyến khích các thành phần khác đầu tư, chứ đây mình nói tập đoàn được giao mà trả thì nói nó không được đúng với thực tế thì tình hình nó như vậy.
Còn ngành điện sẵn sàng nhận nhưng mà cũng rất mong Chính phủ là tám trăm mấy chục ngàn tỷ này thì Chính phủ hỗ trợ, Chính phủ hỗ trợ bằng cách thôi giảm bớt, đưa qua dầu khí, đưa qua than, vì dầu khí, than đang có vốn để đầu tư thì nó sẽ vừa đỡ được cho tất cả.
Còn đến lúc nào mà không độc quyền thì thưa với các anh chị, có lần tôi đã trình bày cái này rồi, ngành điện chúng ta độc quyền là một sự tự nhiên, chúng ta xây dựng ra đời có một công ty điện lực thôi từ miền Bắc nửa nước là xã hội chủ nghĩa, thống nhất miền Nam thì chúng ta cũng thống nhất một ngành điện thôi. Bây giờ muốn nhiều thành phần đầu tư trong lĩnh vực này thì Chính phủ, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương cho phát triển cái này, kêu gọi đầu tư như tôi vừa trình bày nhưng tới hôm nay mới phát điện được là Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 3, còn Hiệp Phước đầu tư nước ngoài khoảng có 300 MW nữa, còn mấy cái khác thì chưa vào. Còn điện tư nhân, điện các doanh nghiệp ngoài ngành điện thì hiện nay doanh nghiệp điện của ngành điện lực chỉ chiếm khoảng 60% còn 40% là các tập đoàn khác, nhưng chỉ có điều Tổng công ty Điện lực Việt Nam vừa sản xuất một phần lớn công suất điện vừa giữ quyền truyền tải phân phối. Đây là việc Nhà nước phải độc quyền nhưng Nhà nước giao cho ngành điện thực hiện, chúng tôi đã nêu hôm báo cáo với Quốc hội, chúng tôi đã giao Bộ Công thương nghiên cứu đề án tách sản xuất và truyền tải phân phối, các đồng chí nhớ hôm báo cáo lần đầu, hôm khai mạc tôi đã nói ý này, Bộ Công thương đang làm đề án này và nhiều thành phần kinh tế vào đầu tư phát điện nhưng Nhà nước phải giữ quyền phân phối và bán điện, Nhà nước đó là ai thì chúng tôi đang xây dựng theo hướng một doanh nghiệp được lập ra chuyên làm việc này để có thể có chỗ bán cao, có chỗ bán thấp, bây giờ mới là đề án theo hướng, tinh thần như thế, chúng tôi cố gắng để từng bước vừa đảm bảo được điện, huy động được nguồn lực xã hội nhiều thành phần tham gia kể cả nước ngoài nhưng truyền tải phân phối Nhà nước phải quản lý, phải độc quyền. Tôi dùng từ "độc quyền " việc này thì tôi cũng đề nghị các đồng chí chia sẻ cho, đây là một việc làm hết sức khó, từng bước chúng ta sẽ tiến tới như thế.
Vấn đề cán bộ, đúng là mọi việc cái gốc từ cán bộ, thành công hay thất bại từ cán bộ, có lẽ tất cả chúng ta đều nhất trí như thế, doanh nghiệp Nhà nước cũng thế thôi. Đảng, Nhà nước ta đào tạo được đội ngũ cán bộ có thể nói khá tốt, đảm trách được nhiệm vụ như đến hôm nay. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, qua thực tiễn chúng tôi sẽ rà soát lại, bố trí cho đúng để phát huy đội ngũ cán bộ này. Bố trí đúng cán bộ coi như chúng ta thành công. Việc này là công việc của cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương.
Cảm ơn ý kiến đại biểu Đào động viên Chính phủ, nhưng tôi xin nói ngay Chính phủ cũng làm được nhiều việc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, giám sát của Quốc hội, làm được nhiều việc đóng góp vào thành tựu chung. Nhưng cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm mà chúng tôi rất trăn trở làm sao để cố gắng làm tốt hơn.
Còn điện, nói "làm mình làm mẩy", tôi nghĩ không biết thế nào là làm mình, làm mẩy, nhưng thực trạng như thế, phải nói ngành điện cũng hết sức cố gắng, 5 năm vừa rồi 4.000 kỹ sư của ngành điện đi ra khỏi ngành, đây là điều trăn trở của Thủ tướng là vì ngành điện không chỉ ở Tổng công ty, ở Hà Nội đâu mà khắp các công trình trên các vùng, trên các đường dây, cho nên thu nhập bị khống chế theo doanh nghiệp nhà nước cho nên giảm lực lượng cũng mạnh. Chúng ta phải thấy mặt được mà chúng ta phát huy, có chính sách cần thiết để anh em vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời thấy những mặt hạn chế để khắc phục. Xin cám ơn các đồng chí./