Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) về tình hình cung cấp điện năm 2009, nếu giá điện tăng mà tình trạng cắt điện vấn tùy tiện thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam có bồi thường cho các doanh nghiệp, cho người tiêu dùng hay không? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo Tổng sơ đồ điện VI, dự kiến cuối năm 2007 cả nước có khoảng 15.000 MW công suất điện, sang năm 2008 huy động khoảng 3.000 MW, như vậy năm 2009 sẽ có khoảng 18.000 MW, về tổng thể đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu (Với tình hình phát triển kinh tế như dự báo, theo chỉ tiêu bước đầu là tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, Bộ Công Thương dự kiến nhu cầu điện tăng khoảng 12-13%). Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết cân đối cung – cầu điện của của Việt Nam có 2 đặc điểm lớn: Thứ nhất là phụ thuộc rất nhiều vào mùa mưa và khô. Công suất của các nhà thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng trên dưới 20% trong toàn bộ công suất của ngành điện. Vào mùa khô, các nhà máy thủy điện nước ít hoặc không có nước, như nhiều năm vừa qua thì công suất điện có thể suy giảm. Thứ hai, trong cơ cấu tiêu thụ điện hiện nay điện sinh hoạt chiếm tới 40%. Điện sinh hoạt trong những năm gần đây tăng cao: 9 tháng đầu năm 2008, phụ tải chung tăng 16% thì điện sinh hoạt tăng trên 20%…
Từ những phân tích về thực trạng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: “Năm 2009, tình hình cấp điện có thể được cải thiện hơn năm 2008. Nhưng khó có thể tránh khỏi phải tiết giảm vào mùa khô. Công suất tiết giảm phụ thuộc vào việc chúng ta huy động sản xuất, nhưng theo tính toán thì sản lượng điện thiếu vào khoảng 1 tỷ KWh, công suất có thời điểm thiếu khoảng 1.000 MW. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN cố gắng hết sức để làm thế nào tránh việc cắt điện tràn lan và đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu cung cấp điện hết sức thiết yêu về sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Vừa qua, chúng tôi đã yêu cầu ngành điện phải có những biện pháp cụ thể trong phấn đấu khắc phục những khó khăn để đảm bảo cung cấp điện, mặt khác để đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy điện”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) về việc vị trí lắp đặt công tơ, Bộ trưởng cho biết đúng là theo quy định của Luật Điện lực phải đảm bảo đặt công tơ trong phạm vi quản lý được của người mua điện. Hiểu theo nghĩa đó nghĩa là đối với các hộ dân thì công tơ điện thường thường đặt trong gia đình, trong nhà của người mua điện, của hộ tiêu thụ điện. Tuy nhiên, việc đặt công tơ ở trong nhà có thuận lợi là những người mua điện có thể quản lý được, nhưng người bán điện thì rất khó khăn bởi vì đặt ở trong nhà nhiều khi đến kỳ, đến tháng, nhân viên ngành điện đi ghi chỉ số không gặp được người trong gia đình cho nên phải đi lại rất nhiều lần, mất nhiều thời gian vẫn không gặp được. Trong tình hình đó, nhiều khi có những trường hợp các nhân viên phải tạm thời lấy con số thực hiện của tháng trước, của kỳ trước để thông báo tạm cho người mua điện của kỳ này, sau đó khi kiểm tra lại đối chiếu thực tế sẽ có thanh toán chính thức. Chính vì thế gây ra những khó khăn và gây ra những suy nghĩ cho rằng có thể có những tiêu cực trong vấn đề đo đếm công tơ và vấn đề về thu tiền điện. Nếu đặt công tơ ở bên ngoài - treo ở các trụ điện mà rất nhiều nơi, rất nhiều địa phương thực hiện thì thuận lợi cho người bán điện, nhưng đúng là lại gây phiền phức cho người mua điện, đặc biệt không kiểm tra được kịp thời việc tiêu thụ điện của mình…
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) liên quan đến mong muốn của một số hộ dân ở khu vực Tuyên Quang sống ở gần phạm vi đường dây 220 KV Tuyên Quang- Thái Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện đã xây dựng dự thảo, sửa đổi Nghị định 106 thực hiện Luật Điện lực, trong đó có những nội dung liên quan đến vấn đề về kỹ thuật, về các quy chuẩn đảm bảo cho những người dân sống ở khu vực gần các đường dây 220 KV trở lên. Tuy nhiên, do phạm vi của dự thảo này chưa đầy đủ, còn thiếu phần liên quan đến chế độ chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người dân, nên sẽ “hoàn chỉnh tiếp để khi trình Chính phủ, được Chính phủ thông qua thì chắc chắn rằng không phải chỉ có bà con ở Đại Từ, cũng không phải chỉ có bà con ở khu vực Tuyên Quang mà kể cả những bà con khác, sống ở khu vực có các đường dây 220KV trở lên chạy qua thì cũng sẽ là những đối tượng được hưởng những quy định mới theo Nghị định thay thế Nghị định 106 thực hiện Luật Điện lực”.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và một số đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích về một số vấn đề như: kết quả kinh doanh của EVN - hiện nay có thực sự lãi hay bị lỗ và tại sao lại từ chối việc đầu tư 13 dự án nguồn điện; việc ngành điện đề nghị tăng giá bán điện vì cho rằng kinh doanh lỗ, nhưng trong tháng 10 vừa qua lại xin cấp trên 1.000 tỷ đồng cho việc khen thưởng trong khi cả nước thực hiện tiết kiệm chi tiêu để góp phần kiềm chế lạm phát; tại sao trong khi điện thì thiếu như vậy mà Tập đoàn lại đầu tư vốn sang lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán…
Về vấn đề thứ nhất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Theo tổng sơ đồ điện VI, có 2 phương án về tăng phụ tải, trong đó phương án cơ sở tăng 17% và phương án cao là tăng 20%/năm. Tính toán theo phương án cao thì trong giai đoạn năm 2006 - 2015 chúng ta phải xây dựng và đưa vào vận hành khoảng 60.900MW công suất điện, riêng EVN được giao nhiệm vụ xây dựng và đưa vào vận hành khoảng 34.000 MW. Ngoài ra,EVN còn phải đảm nhận việc xây dựng khoảng 21.000 km đường dây từ 110, 220, 500KV và cũng phải xây dựng và đưa vào vận hành khoảng 90.000 MVA công suất các trạm biến áp từ 110KV trở lên. Trong thời gian từ năm 2006 đến nay, EVN đã triển khai các dự án đã được phân công làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tình hình trong năm 2008 cũng có những biến động liên quan đến thắt chặt chi tiêu công, điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô. Hơn nữa là các nhà máy điện mà EVN được giao làm chủ đầu tư trong thời gian gần đây đều sử dụng than - các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, trong khi nguồn than bắt đầu có những hạn chế. Chính vì thế sau khi tính toán cân nhắc, EVN đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2008 xin được trả lại 13 dự án điện này với tổng công suất khoảng 13.800 MW. Tập đoàn cũng đã hứa kể cả khi trả lại các dự án này, nếu Chính phủ cho phép Tập đoàn sẽ tham gia một phần, chứ không phải là tham gia đầy đủ với tư cách là chủ đầu tư, tùy theo từng dự án.
“Trong tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo với Chính phủ đề xuất việc xử lý 13 dự án điện này theo hướng một mặt vẫn tiếp tục giao cho EVN triển khai 2 dự án, còn lại 11 dự án giao cho một số tập đoàn kinh tế có khả năng tài chính, kỹ thuật cao như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty lắp máy Việt Nam và một số nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hoàng cho biết.
Liên quan đến việc EVN xin được để lại quỹ phúc lợi là 1.002 tỷ đồng, Bộ trưởng nói rõ đây là xin trích lãi của năm 2007 chứ không phải của năm 2008. Ông cho biết, năm 2007, giá thành điện nội bộ trong EVN là 642,73 đồng/kWh, giá điện mua ngoài (mua của các doanh nghiệp khác, mua của Trung Quốc) bình quân là 873 đ/kwh bình quân. Với giá bán điện bình quân 860,15 đ/kWh, EVN lãi khoảng 140 đ/kWh – tổng lãi khoảng 4.000 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 3%. Tuy nhiên sang năm 2008, do các chi phí đã biến đổi, đến nay giá thành nội bộ cũng đã lên khoảng 716,75đ/kWh, giá mua điện các nguồn bên ngoài cũng tăng lên 944 đ/kWh trong khi giá bán điện bình quân thì gần như không thay đổi (864 đ/kWh), nên tính đến tháng 10, ước lãi bán điện của EVN chỉ còn khoảng 60- 70đ/kWh – bằng một nửa so với năm 2007. “Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính, trong đó xác định là phải kiểm tra lại giá thành điện, cần phải có kiểm toán, có đánh giá lại để phản ánh chính xác chi phí và lợi nhuận của ngành điện. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị việc phân chia lợi nhuận thực hiện theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Quyết định cuối cùng sẽ do Bộ Tài chính xem xét và căn cứ vào các quy định hiện hành để có quyết định báo cáo với Chính phủ… Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận như hiện nay là khoảng trên dưới 3% thì khả năng về kinh doanh của EVN rất eo hẹp. Với tỷ suất lợi nhuận lnày, các ngân hàng rất khó khăn trong việc xem xét và cho vay, thậm chí kể cả những dự án có tỷ suất lợi nhuận 6-7%”.