Đèn năng lượng mặt trời tại đảo Sơn Chà (Huế).
Theo đó, việc quy hoạch để kêu gọi các đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng Xanh đang được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo
Theo số liệu của Tổng Cục Khí tượng thuỷ văn, vùng Thừa Thiên Huế có giờ nắng bình quân năm và cường độ bức xạ mặt trời khá cao, cả năm có tới 1893,6 giờ nắng; bức xạ 4,33 kWh/m2/ngày. Với điều kiện bức xạ và số giờ nắng trên, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm đạt các tiêu chí về bức xạ và số giờ nắng sử dụng các dàn pin mặt trời cho hiệu quả tốt.
Về gió trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên cũng khá tốt cho việc sử dụng năng lượng, vận tốc gió > 7m/s, xuất hiện ở cả vùng núi phía Tây và vùng ven biển. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có một vài đỉnh của sống núi thuộc dãy Trường Sơn có gió rất tốt, vận tốc gió nằm trong khoảng 8,5 đến 9,5 m/s, nhưng khả năng tiếp cận những khu vực này rất khó khăn. Tuy nhiên, tồn tại những vị trí khả năng tiếp cận được, thuận lợi cho việc phát triển điện gió.
Có khu vực đặc biệt là con đèo rộng lớn thẳng về phía Tây của Huế tại biên giới Việt – Lào, nơi mà độ cao so với mực nước biển trong khoảng 400-800m, nhưng vận tốc gió trung bình đạt từ 7 đến 8 m/s. Có thể tìm thấy gió tốt như vậy ở trên các đỉnh của các sống núi có độ cao từ 800-1200 m so với mực nước biển ở phía Đông của dãy Trường Sơn.
Khu vực đồng bằng ven biển ở phía Bắc Huế và Mũi Chân Mây có những cơn gió thuộc loại khá, vận tốc gió ở độ cao 30m là 5,5-6,0m/s, có thể vượt quá 6,0m/s ở vị trí sát bờ biển. Qua đó cho thấy, Thừa Thiên Huế có tiềm năng trong việc phát triển điện gió sử dụng các loại tua bin gió cỡ nhỏ và vừa, chủ yếu ở ven bờ (khoảng 1700-4200 kWh/m2/năm, gió địa hình khoảng 2000-3000 kWh/m2/năm).
Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển các loại tua bin gió cỡ nhỏ và vừa ở địa bàn Thừa Thiên Huế là rất khả thi.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có các nguồn năng lượng khác, như nguồn năng lượng khí sinh học là nguồn nhiên liệu được dùng để đun nấu, thắp sáng và sản xuất điện năng. Nguồn nguyên liệu để sản xuất khí sinh học là các loại chất hữu cơ có nguồn gốc động vật, các loại phụ phẩm cây trồng thích hợp với công nghệ sản xuất khí sinh học. Năng lượng khí sinh học không chỉ là nguồn nhiên liệu năng lượng rất hữu ích mà còn là một trong những giải pháp chủ yếu bảo vệ môi trường nông thôn. Điều này đặc biệt quan trọng vì Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng có 80% dân sống ở nông thôn và chăn nuôi ngày càng phát triển theo xu thế tập trung. Trong nhiều năm qua, hàng nghìn hầm Biogas quy mô gia đình đã được xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường rõ rệt ở nông thôn nước ta.
Thừa Thiên Huế có khoảng 120km chiều dài đường bờ biển với hàng triệu km2 mặt biển rộng lớn có khả năng khai thác sử dụng các nguồn năng lượng biển như năng lượng gió trên biển, năng lượng sóng biển, thủy triều, năng lượng dòng hải lưu, nhiệt biển… nhưng rất tiếc là cho đến nay chưa có điều tra cơ bản nên chưa đánh giá được chính xác tiềm năng các nguồn năng lượng nói trên.
Những kết quả khả quan
Đèn năng lượng mặt trời tại đường Tôn Đức Thắng, TP Huế.
Tại khách sạn Khách sạn Sài Gòn – Morin đã ứng dụng điện năng lượng mặt trời cho hệ thống nước nóng có nhu cầu tiêu thụ khoảng 14.000 lít nước nóng mỗi ngày. Nếu sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng tiền điện mỗi tháng và hơn 600 triệu đồng trong 1 năm. Số tiền này tương ứng với số tiền đầu tư thiết bị trong thời gian ban đầu.
Tại đảo Sơn Chà, cấp điện bằng năng lượng mặt trời có công suất 8.200Wp và 5 trụ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng đưa vào sử dụng năm 2013.
Trên đường Tôn Đức Thắng, TP. Huế đã ứng dụng thí điểm điện năng lượng mặt trời tại vị trí cột đèn số 3 và 4. Đèn hoạt động ổn định và đảm bảo chiếu sáng liên tục vào ban đêm khi thời tiết mưa 4-5 ngày. Mỗi cột đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời lắp đặt thay thế cho đèn cao cáp sodium công suất 100W tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ trên 1 năm là 438kWh/1 cột.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây chính thức thông báo công khai thông tin các địa điểm dành cho nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để các nhà đầu tư có cơ sở đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư. Cụ thể: Tại khu vực huyện Phong Điền có bốn địa điểm sau: Xã Điền Môn và Điền Hương, diện tích 127 ha. Xã Phong Chương với diện tích: 100 ha. Xã Phong Hiền, diện tích: 100 ha. Xã Phong Hòa, diện tích: 100 ha. Tại khu vực huyện Phú Lộc có một điểm ở vị trí: Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô (khu vực xã Lộc Thủy, xã Lộc Tiến), diện tích: 170 ha.
Thực tế đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu để đầu tư vào những dự án năng lượng xanh. Trong đó, ngày 28/6/2017, Công ty Năng lượng tái tạo Orange thuộc Tập đoàn AT Capital - Singapore đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua làm việc, UBND tỉnh kết luận sẽ áp dụng các chính sách, ưu đãi cao nhất theo khung quy định của Chính phủ và của tỉnh đối với dự án sản xuất năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Và mới đây, ngày 06/9/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi làm việc để nghe Công ty BS Heidelberg Solar GmbH báo cáo dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Văn Cao- Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì và đã có Thông báo Kết luận số 248/TB-UBND ngày 09/9/2017, trong đó UBND tỉnh đã kết luận và chỉ đạo: Địa điểm nhà đầu tư đề xuất phù hợp với địa điểm đã được UBND tỉnh thống nhất cho phép nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tại Thông báo số 242/TB-UBND ngày 05/9/2017. UBND tỉnh ủng hộ và thống nhất cho Công ty BS Heidelberg Solar GmbH nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 151 MWp trên diện tích khoảng 160 ha tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thời hạn nghiên cứu tối đa đến ngày 5/12/2017. Trong thời gian đến trước ngày 5/12/2017, UBND tỉnh có thể cho phép nhà đầu tư khác có nhu cầu cùng nghiên cứu tại khu vực trên và sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, phương án đầu tư tốt nhất để triển khai dự án.