Tiến độ công trình

Thừa Thiên Huế đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kV

Thứ sáu, 12/6/2020 | 15:05 GMT+7
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, hoàn thiện các thủ tục và tìm giải pháp đẩy nhanh việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ các vị trí móng còn lại và hành lang tuyến hoàn thành chậm nhất trong tháng 6/2020.
thua thien hue day nhanh tien do giai phong mat bang du an duong day 500kv
Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kV.

Ngày 11/6, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã có buổi kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng đì còn có đại diện lãnh đạo sở ngành liên quan và đại diện Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB).
 
Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại các vị trí 594 thuộc địa bàn xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà; 608 thuộc địa bàn xã Dương Hòa thị xã Hương Thủy và khoảng cột 667-668 thuộc địa bàn thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc. Theo kết quả kiểm tra thực tế và báo cáo từ CPMB thì đến nay, công tác lập, trình phê duyệt phương án bồi thường tại các vị trí móng trụ và hành lang tuyến trên địa bàn thị xã Hương Trà, Hương Thủy và huyện Phú Lộc còn chậm (đạt 55% cho các vị trí móng và 49% cho hành lang tuyến). Việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác xây dựng khu tái định cư (TĐC), tổ chức xét duyệt việc bố trí TĐC cho một số hộ gia đình có nhà ở nằm trong hành lang tuyến cần phải di dời còn chậm.
 
Việc xác minh, lập hồ sơ trích đo địa chính tại một số thửa đất bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến gặp nhiều khó khăn do có sự chồng lấn trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất rừng. Đến nay, 3 địa phương: Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà chưa thể bàn giao mặt bằng để thi công kéo dây do việc phê duyệt phương án bồi thường còn dở dang, các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quyết định phê duyệt.
 
Để đảm bảo tiến độ dự án, ông Định đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, hoàn thiện các thủ tục và tìm giải pháp đẩy nhanh việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ các vị trí móng còn lại và hành lang tuyến. Đối với các thửa đất rừng vướng mắc nguồn gốc sử dụng đất, đề nghị UBND các huyện, thị xã khẩn trương rà soát, có văn bản báo cáo đề xuất hướng giải quyết gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện/thị xã thành lập tổ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
 
Đối với các công ty lâm nghiệp và chủ rừng, trên cơ sở hồ sơ khai thác tận thu cây do chủ đầu tư hỗ trợ lập theo chỉ đạo của UBND, các chủ rừng có trách nhiệm trực tiếp làm việc với Sở NN&PTNT, Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị liên quan nhằm đẩy nhanh công tác thẩm định, trình phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo để sớm tận thu toàn bộ tài sản bị ảnh hưởng theo Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án của UBND tỉnh và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
 
Theo: Báo Công Thương