Như vậy, IPO với mỗi doanh nghiệp chỉ có một lần duy nhất và sau khi đã IPO thì các lần tiếp theo sẽ được gọi là phát hành cổ phiếu trên thị trường thứ cấp. IPO có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp, vì đây là thử thách đầu tiên và quan trọng nhất đối với hàng loạt khía cạnh vận hành. Nguyên nhân của thử thách này là do doanh nghiệp trước khi được phép huy động vốn rộng rãi phải đảm bảo hàng loạt điều kiện phát hành và quy chế báo cáo thông tin rất nghiêm ngặt.
Về mặt thủ tục, tiến trình IPO thường liên quan tới một hay một số công ty chứng khoán. Những trung gian tài chính này làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tư vấn và bảo lãnh phát hành. Công ty tiến hành bán cổ phần bằng IPO được gọi là nhà phát hành hay đơn vị phát hành.
Còn SPO (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Seasoned Public Offering) là thuật ngữ mô tả việc một doanh nghiệp đại chúng phát hành cổ phần rộng rãi cho công chúng sau khi đã tiến hành IPO (phát hành cổ phần sau IPO). Nói cách khác, nếu như IPO là thuật ngữ ám chỉ lần đầu tiên doanh nghiệp phát hành cổ phần mới và bán rộng rãi cho công chúng, thì SPO áp dụng cho tất cả các lần phát hành sau đó. Trên thế giới, SPO còn có tên gọi khác, nhưng ít thông dụng hơn là phát hành cổ phần tiếp nối.
Việc tiến hành SPO thành công hay không phụ thuộc vào cơ chế đợt phát hành và cấu trúc sở hữu mong muốn sau mỗi lần SPO hoặc một loạt đợt SPO; các đợt SPO có tính liên tục không, có đạt mục tiêu huy động theo thời kỳ mong muốn không và có phù hợp với các chiến lược dự án của doanh nghiệp hay không. Nói cách khác, việc biến công ty thành công ty đại chúng bắt đầu với IPO, còn việc công ty quản trị nguồn vốn tốt hay không thể hiện ở sự thành công của nhiều đợt SPO theo các kế hoạch chiến lược. Một doanh nghiệp IPO thành công nhưng nếu không có khả năng SPO hoặc không có chiến lược phát triển cần tới các đợt SPO tiếp theo thì cũng khó có thể coi là doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng.