ĐHCĐ có các quyền và nhiệm vụ như: thông qua định hướng phát triển của công ty; quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần (trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác); bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), thành viên ban kiểm soát; quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác; quyết định tổ chức lại, giải thể công ty…
Cổ đông là tổ chức có quyền cử một hoặc một số người đại diện theo uỷ quyền thực hiện các quyền cổ đông của mình theo quy định của pháp luật. Trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo uỷ quyền được cử thì phải xác định cụ thể số cổ phần và số phiếu bầu của mỗi người đại diện.
Họp ĐHCĐ
1. ĐHCĐ họp thường niên hoặc bất thường; ít nhất mỗi năm họp một lần. Địa điểm họp ĐHCĐ phải ở trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định).
3. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp của ĐHCĐ triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định).
4. Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trong trường hợp này, cuộc họp của ĐHCĐ được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp.
5. Chỉ có ĐHCĐ mới có quyền thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp.