Diễn đàn năng lượng

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng: Hiện thực hoá Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, tiến đến Netzero của Việt Nam

Thứ năm, 26/10/2023 | 15:30 GMT+7
Có 10 doanh nghiệp công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như: sản xuất thép, sản xuất giấy, sản xuất điện,… được hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng trong năm 2023 thông qua dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025. 

Chương trình gồm 5 hợp phần chính với các nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và lĩnh vực tăng trưởng xanh. Các kết quả bước đầu cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp là rất lớn. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy thị trường đầu tư TKNL, hiện thực hoá Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, tiến đến Netzero vào năm 2050. 

Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam” ngày 26/10/2023, bà Yang Seo Hyeon - Phó Giám đốc Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam cho biết, nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội, giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biển đổi khí hậu, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). 

Bà Yang Seo Hyeon cho biết: "KOICA hiện nay đang hỗ trợ xây dựng nền tảng để đầu tư năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Việt Nam. Thông qua hội thảo, KOICA thông tin về kết quả kiểm toán hiệu quả năng lượng của các doanh nghiệp trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, thảo luận về các phương án thúc đẩy nghiêm túc đầu tư dự kiến được tiến hành trong tương lai, đồng thời chia sẻ các ví dụ điển hình của Hàn Quốc với phía Việt Nam để nghiên cứu đầu tư đúng với tiềm năng.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước đại diện phía Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý thực hiện các nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho biết, trong khuôn khổ Dự án, 20 doanh nghiệp công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ được lựa chọn để tham gia vào chương trình kiểm toán năng lượng trong giai đoạn 2021-2025.

"Trong năm 2023, 10 doanh nghiệp công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như: sản xuất thép, sản xuất giấy, sản xuất điện,… đã được Dự án hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng. Chúng tôi đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp của chúng ta rất cao và nếu chúng ta kết nối được các doanh nghiệp với các cơ quan cung cấp các giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ, giải pháp tài chính thì chúng ta có thể mở ra thị trường tiết kiệm năng lượng rất tốt và triển vọng trong giai đoạn tới để giúp cho Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu chung là carbon vào năm 2050…

Ông Hoàng Ngọc Thanh – Trưởng phòng Khuyến công và TKNL, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Nam Định - địa phương có doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng trong khuôn khổ của Chương trình mục tiêu quốc gia về TKNL, cho biết, "trong năm 2023 chúng tôi cũng đã thực hiện kiểm toán năng lượng cho 2 đơn vị trọng điểm sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Với kết quả bước đầu cũng nhận được những phản hồi của đơn vị rất là hiệu quả, và đang tiếp tục hưởng ứng để có thể đưa ra những giải pháp nhất định để thực hiện, còn kết quả thực hiện được thì phải sau khi đơn vị có đầu tư thêm hoặc là nhận thức về vấn đề có nên cải tạo thêm không, có đưa những giải pháp hợp lý sẽ thực hiện đầu tư.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với sự phát triển nhanh chóng ấy, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng ngày một gia tăng. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đã sớm hoàn thiện các khung pháp lý, bao gồm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và rất nhiều quyết định hướng dẫn thi hành. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 (Chương trình VNEEP3), đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. 

Để đạt được các mục tiêu đề ra, cùng với những nỗ lực của Chính Phủ, tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận được những hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ thông qua các chương trình cụ thể, như dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Bộ Công Thương đang triển khai.

Nguyên Long