Tin thế giới

Thực trạng điện hạt nhân trên thế giới

Thứ ba, 15/1/2008 | 13:49 GMT+7

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến nay thế giới có 439 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và 34 nhà máy đang trong quá trình xây dựng.

Dưới đây là các dữ liệu chủ chốt về thực trạng điện hạt nhân trên thế giới nói chung và châu Âu nói riêng:

* Các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu và trên thế giới

Điện nguyên tử cung cấp 16% nhu cầu tiêu dùng điện cho thế giới và 34% cho châu Âu. 15 trong 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có nhà máy điện hạt nhân, trong đó Pháp có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất EU và điện hạt nhân chiếm tới 73% tổng sản lượng điện của nước này. Trong khi đó, Mỹ là nước có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất thế giới, với 104 nhà máy đang hoạt động.

* Số nhà máy đang trong quá trình xây dựng

Trên thế giới hiện có 34 nhà máy điện hạt nhân đang trong quá trình xây dựng, trong đó có nhà máy Atucha của Áchentina (được xây dựng gần thủ đô Buênốt Airết); 2 nhà máy ở Bungari (gần thành phố Belene ở phía Bắc); 5 nhà máy ở Trung Quốc, trong đó có 2 nhà máy ở vùng lãnh thổ Đài Loan; 1 nhà máy ở Phần Lan (được xây dựng tại Olkituoro và đây sẽ là nhà máy lớn nhất thế giới, dự kiến được hoàn tất và đi vào hoạt động vào năm 2011); 6 nhà máy tại Ấn Độ (sau khi hoàn tất sẽ nâng tổng số nhà máy điện hạt nhân của nước này lên 23); 1 nhà máy của Pháp đang được xây dựng Flamaville thuộc vùng Normandy (dự kiến được hoàn tất và đi vào hoạt động vào năm 2012). 

Ngoài ra, Iran đang nỗ lực xây dựng một nhà máy tại Bushehr trên bờ phía Nam của vùng Vịnh. Nhà máy này đang là mục tiêu thanh sát gắt gao của IAEA và là cơ sở của những cẳng thẳng ngoại giao giữa Iran và phương Tây. Trong khi đó, 1 nhà máy đang được xây dựng ở Nhật Bản, 3 ở Hàn Quốc, 1 ở Pakixtan, 2 ở Ucraina và 1 ở Mỹ. Hiện Nga đang tiến hành xây dựng 7 nhà máy điện hạt nhân, bổ sung vào còn số 31 nhà máy hiện nay, và giúp đỡ Trung Quốc triển khai một số dự án tương tự.

* Điện hạt nhân ở châu Âu

Thái độ đối với điện hạt nhân hiện đang rất khác nhau ở EU. Trong khi Đức và Thụy Điển cam kết loại bỏ loại năng lượng này, các thành viên mới của khối là Bungari, Rumani và Xlôvakia lại có dự định xây dựng các lò phản ứng mới.

Lò phản ứng Olkiluoro số 3 có công suất 1.600 MW của Phần Lan được coi là cuộc thử nghiệm đối với tương lai hạt nhân của châu Âu. Nhà máy lúc đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2009 nhưng đã bị lui lại tới năm 2011 do tiến độ thi công chậm hơn dự tính.  Nhà máy Olkiluoro, có tổng kinh phí 3 tỷ euro (4,4 tỷ USD), sẽ là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới sau khi hoàn thành.

Một nhà máy mới ở Flamanville sẽ là lò phản ứng thứ ba của Pháp được xây dựng ở cùng một địa điểm và nâng tổng số nhà máy điện hạt của nước này lên 60. Tháng trước, Tổng thống Pháp Sarkozy đã đề xuất giúp Ai Cập phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích dân sự.

Mai Phương (Tổng hợp)