Tiến độ công trình

Thủy điện Bắc Bình tận dụng nhiều lợi thế

Thứ năm, 22/10/2009 | 10:52 GMT+7

Một thời gian dài sau ngày khởi công, dự án Thuỷ điện Bắc Bình gần như bị “đóng băng”, các hạng mục đều chậm tiến độ vì nhiều lý do khách quan và cả chủ quan. Song, với những nỗ lực củng cố và cải thiện kịp thời của chủ đầu tư EVN mà đại diện là Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực VN, đến thời điểm này, Thủy điện Bắc Bình đã tiến gần sát đến vạch đích.


Lắp đặt thiết bị tổ máy.

Thuỷ điện Bắc Bình (Bình Thuận) là dự án đầu tiên được triển khai bằng nguồn vốn góp của CBCNV ngành Điện. Dự án được xây dựng trên cơ sở tận dụng chênh lệch về độ cao của khu vực suối Matin - thượng nguồn sông Luỹ và lượng nước xả ra từ Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, do đó chi phí đầu tư và sản xuất theo dự tính đều rẻ hơn so với các dự án cùng loại khác. Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN) đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (VNPD) huy động vốn góp từ CBCNV xây dựng công trình với công suất 33 MW. Ngoài việc hàng năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện 147 triệu kWh, Thuỷ điện Bắc Bình còn có nhiệm vụ điều hòa nước tưới tiêu cho hệ thống thuỷ lợi sông Luỹ.

Củng cố nhân lực, thay đổi công nghệ

Tiến độ công trình được cải thiện hơn kể từ sau khi EVN đứng ra củng cố tổ chức, bổ sung, thay thế những cán bộ có năng lực và kinh nghiệm quản lý dự án cho VNPD. Tuy vậy, do năng lực nhà thầu thi công quá yếu, nên việc hòa lưới điện cũng phải lùi lại đến 3 lần so với dự kiến. Suốt một thời gian dài từ tháng 9/2007 đến tháng 3/2008, nhà thầu không bố trí đủ nhân lực, thiết bị cho công trình, chỉ thi công cầm chừng các hạng mục đơn giản. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng hết sức chậm trễ, do việc chuyển đổi đất rừng vướng nhiều thủ tục, kéo dài hơn 7 tháng, khiến công trình đã chậm lại càng chậm hơn. Công tác đầu tư, thi công mới trở lại nhịp độ bình thường từ tháng 4/2008, khi chủ đầu tư tập trung lực lượng, chỉnh đốn lại việc thi công của các nhà thầu; đồng thời quy định mốc thời gian để hoàn thành từng phần việc. Nhờ vậy, tiến độ đã được đẩy nhanh dần. Từ khi tập trung lại lực lượng thi công, công nghệ đổ bê tông đường hầm đã được thay đổi, phương pháp bọc áo bê tông truyền thống được chuyển sang công nghệ phun vảy đã rút ngắn thời gian thi công gần 5 tháng; vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư hơn 21 tỷ đồng.

Cùng với việc hoàn thiện Nhà máy, công tác thi công các trạm biến áp và đường dây, như trạm 110 kV nối Thủy điện Đại Ninh, đường dây 22 kV nối trạm Phan Rí cũng được gấp rút triển khai. Thời gian này, hơn 300 công nhân của 6 nhà thầu phải làm việc liên tục 3 ca để đảm bảo tiến độ.

Kết quả, ngày 5/9/2009, đã đóng điện thành công đường dây 110 kV Bắc Bình - Đại Ninh và hệ thống đấu nối 110 kV tại trạm phân phối Thuỷ điện Đại Ninh, sẵn sàng nhận điện từ Nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia và ngày 7-9-2009, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Bắc Bình chính thức chạy không tải. Dự kiến, cuối tháng 9/2009, sẽ phát điện lên lưới quốc gia.

Tận dụng nhiều lợi thế

Việc đưa Nhà máy Thuỷ điện Bắc Bình vào hoạt động ở thời điểm này không chỉ góp thêm vào lưới điện quốc gia sản lượng điện ổn định, mà còn làm nhiệm vụ quan trọng khác, là chuyển tiếp nước từ Thủy điện Đại Ninh về sông Lũy, cung cấp nước tưới cho đồng ruộng khô hạn của 2 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc.

Thủy điện Bắc Bình là công trình điện đầu tư theo hình thức BOO đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong gần chục công trình thủy điện được cấp phép theo hình thức này đi vào hoạt động. Đây cũng là dự án đầu tiên thí điểm về chế tạo thiết bị trong nước. Thủy điện Bắc Bình được đánh giá là công trình điện có suất đầu tư thấp nhất, chỉ bằng 60-80% suất đầu tư các nhà máy khác, vì sử dụng nguồn nước của Thủy điện Đại Ninh, hạ tầng phục vụ cho thi công, như đường sá, nhà cửa đã được hưởng lợi từ Thuỷ điện Đại Ninh. Mặc dù, thời gian thi công công trình bị kéo dài, giá trị trượt giá tăng khá nhiều so với vốn dự kiến ban đầu, song với những lợi thế từ vị trí địa lý, Nhà máy Thuỷ điện Bắc Bình không chỉ là bức tranh khá hấp dẫn về kinh tế và tài chính khi đi vào vận hành, mà còn cải tạo cho 40.000 ha đất nông nghiệp đang thiếu nước nghiêm trọng, có nguy cơ bị sa mạc hóa ở Bình Thuận.

Theo: Tạp chí Điện lực