Tiến độ công trình

Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La: Đẩy nhanh tiến độ

Thứ ba, 11/8/2009 | 10:07 GMT+7

Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước. Cùng với quá trình thi công các hạng mục công trình, công tác di dân, tái định cư cũng gấp rút triển khai. Tuy nhiên, nhiều “cái khó” đang nảy sinh, trong đó có việc nhiều hộ dân vẫn còn “nấn ná” chưa muốn di dời nơi sẽ thành lòng hồ. Riêng trong năm nay, kế hoạch di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới còn khá nặng nề...

 

Một góc bản tái định cư Tân Quỳnh, huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: HUY HÙNG

 Vẫn còn hàng trăm hộ chưa cam kết di chuyển

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2009, khu vực lòng hồ Thủy điện Sơn La mới chỉ di chuyển được 1.799 hộ (trong tổng số 6.861 hộ cần di chuyển) đạt 26,22% kế hoạch năm. Qua điều tra nguyện vọng, ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu 100% số hộ dân đồng ý tái định cư và xác định nơi đi, nơi đến. Riêng tỉnh Sơn La, nơi xây dựng Nhà máy thủy điện, hiện vẫn còn 533 hộ chưa ký cam kết di chuyển và lựa chọn điểm đến tái định cư, trong đó huyện Quỳnh Nhai có 342 hộ và Mường La 191 hộ.

Đáng chú ý, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuy đã hoàn thành nhưng còn chậm so với yêu cầu. Tính đến tháng 6-2009, tỉnh Sơn La mới phê duyệt hoàn chỉnh 19/56 khu, điểm tái định cư còn lại. Một số quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng lại chưa hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Nếu “bóc tách” trách nhiệm các Bộ, ngành và từng địa phương thì còn rất nhiều việc cần tiếp tục… làm ngay. Chẳng hạn, đối với tỉnh Lai Châu, tuy đã phê duyệt hoàn chỉnh toàn bộ quy hoạch, thế nhưng trong hồ sơ quy hoạch lại chưa có phương án đền bù, thu hồi đất sản xuất tại khu, điểm tái định cư. Cùng chung trách nhiệm ấy, Bộ Xây dựng chậm hoàn thành nhiệm vụ rà soát, thẩm định, điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục công trình và tổng mức đầu tư xây dựng thị trấn Phiêng Lanh và thị xã Mường Lay (tỉnh Sơn La), trong đó có việc xác định cụ thể nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng tái thiết đô thị.

Nguyên nhân của việc di chuyển dân còn chậm là do những tháng đầu năm trùng với dịp Tết Nguyên đán, nhân dân trên địa bàn lòng hồ tập trung lo… đón Xuân, thời tiết khu vực miền núi phía Bắc diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm. Tất nhiên, có nguyên nhân quan trọng là bộ máy chỉ đạo và thực hiện dự án tuy đã được kiện toàn nhưng còn thiếu và yếu, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành của địa phương thiếu đồng bộ…

Tiến độ di dân, tái định cư bị chậm không chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, mà tổng thể trong quá trình di dân, tái định cư những năm qua cũng chậm so với yêu cầu tiến độ. Theo báo cáo số 32/BC-CP (ngày 23-3-2009) của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sau 6 năm thực hiện Dự án xây dựng công trình thủy điện, trong đó thời gian thực hiện di dân, tái định cư là gần 4 năm (từ 2004 đến 2008), trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã di chuyển được 12.557 hộ, đạt 62% số hộ phải di dời, giải ngân được 3.761,2 tỉ đồng, đạt 57,8% kế hoạch giao trong 4 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban quản lý Dự án, trên thực tế với tổng số dân đã được “chuyển vùng”, thì kết quả đạt được là không nhỏ và đáng khích lệ.

Nơi ở mới cơ bản là tốt hơn

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện Ban Quản lý di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La khẳng định: Về cơ bản, số hộ dân đến nơi ở mới đều có cuộc sống và điều kiện sinh hoạt, sản xuất tốt hơn trước. Theo kết quả điều tra, 444 hộ tái định cư của cả 3 tỉnh đã hoàn thành việc di chuyển, đa số hộ dân cho rằng nhà ở và hệ thống cơ sở hạ tầng (như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trạm xá, trường học, nhà văn hóa…) đều tốt hơn nơi ở cũ. Trong đó, tại tỉnh Sơn La, có gần 59% số người được hỏi cho rằng giao thông thuận tiện hơn, 88,8% khẳng định truyền hình tốt hơn. Về nhà ở, có 34,1% số người được hỏi cho rằng nhà ở rộng hơn, thuận tiện hơn, 57,7% đánh giá là bằng nơi ở cũ, chỉ có 8,2% “kêu” nhà ở mới nhỏ hơn và kém thuận tiện hơn trước.

Để ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ tái định cư, trong thời gian qua công tác khuyến nông, khuyến lâm đã được các ngành và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo như: Tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn lập phương án sản xuất, triển khai một số mô hình canh tác trên đất dốc, mô hình trồng tre lấy măng, trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi lợn, mô hình trồng rau an toàn, trồng khoai tây, hỗ trợ trồng cây cao su và một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao... Đến nay, Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ sản xuất cho 1.871 hộ với số tiền lên tới 26 tỉ đồng, trong đó riêng Sơn La là 24 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi: Liệu quỹ đất nơi tái định cư có đảm bảo cho các hộ dân sản xuất? Và trên thực tế có xảy ra tình trạng người dân “hồi hương”? Đại diện Ban Quản lý di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La cho biết: “Địa bàn bố trí tái định cư của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu gồm 89 khu với 302 điểm, có khả năng tiếp nhận 21.884 (so với tổng số 20.249 hộ dự kiến phải di chuyển đến năm 2010, theo kết quả rà soát lại vào cuối năm 2008). Như vậy, quỹ đất tái định cư cho các hộ dân di chuyển đến sẽ đảm bảo đủ 100% số hộ. Trong đó, bình quân mỗi hộ được từ 1,3ha đến 1,5ha đất, nơi nhiều có thể lên tới hơn 2ha và tối thiểu cũng phải được 1ha/hộ. Hiện tại, chỉ có những hộ “hồi hương” theo dạng về tận dụng diện tích đất cũ (khi chưa ngập trong lòng hồ) để sản xuất, canh tác, chứ không phải bỏ hẳn nơi ở mới”.

Cũng cần phải nói rằng, quỹ đất tái định cư hầu hết do người dân sở tại (nơi đến) nhường lại để phục vụ dự án di dân. Dĩ nhiên, số hộ này đã được Nhà nước hỗ trợ 51 triệu đồng/ha nên họ rất phấn khởi và… tự nguyện nhường đất!

 Sẽ vận động số hộ còn lại ký cam kết di chuyển

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2009 là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương về xây dựng Công trình Thủy điện Sơn La. Trong đó, tỉnh Sơn La cần có giải pháp cụ thể để vận động 533 hộ ký cam kết di chuyển và lựa chọn điểm đến tái định cư, phấn đấu thực hiện xong trong quý 3 này. Đồng thời, sẽ tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở nơi đi và nơi đến trong việc giúp đỡ các hộ tái định cư di chuyển an toàn, đúng kế hoạch. Đặc biệt là di chuyển người và tài sản cho 5.024 hộ còn lại của kế hoạch năm 2009.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung giúp các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xây dựng mô hình điểm cho các hộ tại 3 khu, điểm tái định cư (mỗi tỉnh một mô hình) theo hướng đầu tư lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai xây dựng chính sách đặc thù “hậu tái định cư”, tiếp tục hỗ trợ, đầu tư phát triển toàn diện, bền vững cho các xã có điểm tái định cư và các hộ tái định cư trong nhiều năm sau tái định cư, dự kiến hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quý 3 năm 2009.

Theo: QĐND