Tin mới nhất

Thủy điện Sơn La: Những người ghi dấu ấn trên công trình thế kỷ

Thứ hai, 16/11/2009 | 13:54 GMT+7

Được tham gia công trình Thủy điện Sơn La không chỉ là công việc, là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của những người thợ. Ai cũng coi đây là cơ hội hiếm có được tham gia vào công trình thủy điện vĩ đại nhất của đất nước.

 

Không khí khẩn trương trên công trường thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà

Tham gia Thủy điện Sơn La là may mắn lớn nhất trong đời

Ở Thủy điện Sơn La, nếu gặp một “ông già” xuất hiện ở công trường thì chắc chắn đó là ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Chính phủ. Dù đã bước vào tuổi 77 nhưng ông còn rất nhanh nhẹn, quyết đoán. Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Liên Xô năm 1964, ông về nước và xin lên thủy điện Thác Bà. 7 năm ở Thác Bà, 14 năm ở Hòa Bình, 3 năm ở Yaly rồi Thác Mơ, Hàm Thuận – Đa Mi, nay lại thủy điện Sơn La. Gắn bó với hầu hết các công trình thủy điện nhưng dòng sông Đà và Thủy điện Sơn La vẫn để lại cho ông nhiều ấn tượng và trăn trở nhất.

Các bài liên quan:

* Thủy điện Sơn La - công trình thế kỷ Kỳ 1- Công trình của trí tuệ và sức mạnh

* Thủy điện Sơn La - công trình thế kỷ Kỳ 2 - Công trình của sự sáng tạo và lòng dũng cảm

* Thủy điện Sơn La - Công trình thế kỷ : Kỳ 3- Gian nan di dân tái định cư

Đã từng trải qua nhiều vị trí quan trọng khác nhau, từ Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Bí thư tỉnh uỷ Phú Yên, đến tuổi 65 tưởng được nghỉ hưu thì ông lại được mời ra làm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ chuyên theo dõi Thủy điện Sơn La. Ông là một trong những tác giả chính của 3 đề án Thủy điện Sơn La (cao, thấp, nhỏ). Biết rằng lựa chọn Sơn La thấp là quyết định cần thiết của Chính phủ nhưng ông vẫn thầm tiếc nuối một dự án Sơn La cao với khả năng tích được 16 tỷ m3 nước sẽ là nguồn dự trữ nước ngọt đáng kể cho đất nước, giá thành sản xuất điện cũng sẽ rẻ hơn. Dù nuối tiếc nhưng khi được giao quán xuyến Thủy điện Sơn La thấp, ông vẫn làm việc hết mình, tính toán mọi việc rất sâu xa. Ông đã tham mưu cho Chính phủ sử dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, di dân tái định cư giải phóng lòng hồ. Cơ chế này cũng cho phép chia thiết kế kỹ thuật làm nhiều giai đoạn, nhờ đó, năm 2005 duyệt thiết kế giai đoạn 1 để đào móng, đến cuối năm 2006 mới duyệt thiết kế giai đoạn 2 thì móng đã chuẩn bị xong. Ông cũng là người bảo vệ đến cùng phương án đưa công nghệ bê tông đầm lăn vào thi công, vừa để tiêu thụ than phế thải, vừa đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Kể cả việc đầu tư trạm trộn bê tông RCC giá trên 20 triệu USD, lúc đầu nhiều người bàn nên chế tạo trong nước sẽ rẻ hơn nhưng ông tính rất nhanh: Chế tạo trong nước sẽ phải bị chậm tiến độ 6 tháng, sẽ lãng phí khoảng 5,1 tỷ kWh điện. Thế là ông yêu cầu lập phương án đấu thầu thiết bị để đẩy nhanh tiến độ đổ bê tông đầm lăn. Với ông, tiến độ là quan trọng nhưng chất lượng công trình còn quan trọng hơn. Chỉ một sai sót nhỏ trong khâu thiết kế hoặc thi công đều có thể gây hậu quả vô cùng lớn. Vì vậy, ông luôn yêu cầu phải bám sát tổng tiến độ và phối hợp nhịp nhàng trong thiết kế, vật tư, thi công. Ông say sưa kể về những giải pháp phụ mà các đơn vị đã vận dụng kịp thời để đẩy nhanh tiến độ. Rất cứng rắn và nguyên tắc trong công việc nhưng ông cũng là người sống rất tình cảm và luôn sẵn sàng đồng cam cộng khổ đến tận cùng với anh em... Ông được Chính phủ tin tưởng, đồng nghiệp tin yêu, học trò kính phục không chỉ vì ông giỏi nghề mà còn vì ông rất tận tuỵ, sâu sát, nói ít làm nhiều. Ông tâm sự: may mắn lớn nhất trong đời là được tham gia công trình thủy điện lớn nhất của Việt Nam. Chúng tôi hiểu, đó không chỉ là suy nghĩ của riêng ông mà còn là niềm tự hào của tất cả mọi người tham gia công trình Thủy điện Sơn La.

Chuyện của người trong cuộc

Cùng với ông Thái Phụng Nê, ông Vũ Đức Thìn (Ủy viên Hội đồng quản trị EVN, nguyên trưởng ban Quản lý dự án) và ông Nguyễn Hồng Hà (trưởng ban Quản lý dự án) là những người đã có mặt từ những ngày đầu xây dựng công trình và cũng là những người góp phần quan trọng quyết định chất lượng và tiến độ công trình. Nếu như ông Thìn có rất nhiều kỷ niệm về những chuyến khảo sát, về những quyết đoán trong việc mua thiết bị sản xuất tro bay thì ông Hà lại rất ấn tượng về cây cầu tạm số 1, sản phẩm đầu tay của Thủy điện Sơn La, yếu tố góp phần quyết định việc vận chuyển mọi phương tiện thiết bị sang bờ trái để thi công. Đây là cây cầu dài 500 m, xây dựng vào mùa lũ trong điều kiện khoan cọc nhồi qua tầng cuội sỏi 30-40 m. Theo ông Hà, lúc mới làm cũng thấy “ghê ghê” nhưng không ngờ cây cầu lại được hoàn thành trong 6 tháng với sự khâm phục của bà con quanh vùng. Các ông có rất nhiều kỷ niệm chung về trận chống lũ, những cuộc đấu tranh bảo vệ cho quan điểm dùng bê tông đầm lăn.

Ngoài ra, với tư cách là trưởng ban Quản lý dự án, các ông luôn đặt chất lượng công trình lên hàng đầu, bởi đó không chỉ là sinh mạng chính trị mà còn là tài sản quốc gia, là mạng sống của người dân toàn bộ vùng hạ du sông Hồng.

Không chỉ những người làm công tác chỉ đạo mà những người thợ xây dựng Thủy điện Sơn La cũng có rất nhiều kỷ niệm ở đây. Những người thợ đầu tiên đến đây là cán bộ Xí nghiệp khảo sát (thuộc Công ty Tư vấn xây dựng điện I) đến nghiên cứu về khả năng xây dựng nhà máy thủy điện ở đây. Rất nhiều đôi lứa nên duyên từ những chuyến đi thực địa, rất nhiều cặp vợ chồng phải để con ở nhà để đi theo công trình. Nhà ai có bà nội ngoại đến giúp còn đỡ, nhà ai không có bà thì tiền lương phải gửi bác trưởng phòng tổ chức quản lý giúp cho việc chi tiêu ăn uống học hành. Khi trái gió trở trời cũng phải nhờ các cô bác trong khu tập thể trông nom hộ. Thủy điện Sơn La khởi công họ lại lặng lẽ rút quân đi nơi khác. Đại công trường Thủy điện Sơn La lại trở thành điểm hẹn hạnh phúc của nhiều người.

Công ty Sông Đà 506 ai cũng biết câu chuyện tình của vợ chồng anh Trần Viết Liêm và đám cưới tại công trường của họ. Cỗ không to nhưng đông vui thì không đám nào ở Thủ đô sánh kịp. Mối tình của đôi vợ chồng trẻ Quân - Nguyên (Công ty Sông Đà 7) cũng rất ấn tượng. Anh chị yêu nhau từ công trình đường Hồ Chí Minh nhưng về Thủy điện Sơn La mới tổ chức đám cưới. Chồng lái máy xúc, vợ làm công nhân điện, một cậu con trai láu lỉnh khôi ngô, nguồn thu nhập tạm ổn, cuộc sống chẳng mong gì hơn. Công ty Sông Đà 5 có anh Đinh Thiên Hoàng (quê Nghệ An) và chị Phan Thị Vân (quê Phú Thọ) gặp nhau ở Thủy điện Yaly và xây dựng tổ ấm, sinh con đầu lòng ở đó. Từ năm 2004, về với Thủy điện Sơn La, anh chị sinh thêm cháu thứ 2. Anh chị xác định: cả đời sẽ đi theo các công trình thủy điện, đó không chỉ cái nghiệp mà còn là cái duyên vì nhờ thủy điện mà anh chị mới có một gia đình đầm ấm.

Không riêng anh chị Liêm- Hà, Quân – Nguyên mà Thủy điện Sơn La còn rất nhiều mối tình khác được đơm hoa kết trái, rất nhiều “thiên thần” cất tiếng khóc chào đời trên công trường đầy nắng- gió- bụi mờ nhưng cũng tràn đầy tiếng cười hạnh phúc, tiếng khóc của trẻ thơ. Tại đây có một trường mầm non, một trường tiểu học cùng mang tên Sông Đà được thành lập để chăm sóc con em của công nhân xây dựng thủy điện Sơn La. Cuộc sống của thợ cũng được quan tâm tối đa. Các hộ gia đình được cấp một căn hộ khép kín 40 m2, hộ độc thân 4 người/phòng khép kín. Các phong trào văn hóa, thể thao... cũng được tổ chức thường xuyên nhằm động viên, khích lệ tinh thần cho những người thợ.

Bên cạnh những đôi vợ chồng luôn được san sẻ những nỗi buồn vui thì cũng có nhiều đôi vợ chồng, do hoàn cảnh mà cứ như vợ chồng ngâu. Vì không có thời gian nên anh Nguyễn Văn Điền (Công ty Sông Đà 5) quê Gia Viễn (Ninh Bình) phải nhờ bố mẹ “giấm sẵn” 1 cô ở quê rồi về cưới. Đến nay, vợ chồng anh đã có cậu con trai rất kháu khỉnh. Anh Trần Văn Chương (Công ty Sông Đà 10) quê ở Hưng Yên, quê vợ ở Hòa Bình. Anh chị gặp nhau và nên đôi lứa tại Thủy điện Hòa Bình. Xong công trình, vợ chồng anh và cậu con trai đầu lòng vào xây dựng thuỷ điện Yaly, sinh thêm cậu con trai thứ 2, mua một căn nhà ở thành phố Gia Lai và đón bà ngoại vào trông các cháu. Xong Thủy điện Yaly, anh lại đi Thủy điện Tuyên Quang, Quảng Trị, Sê San, Sơn La… Gần như các công trình thuỷ điện lớn của đất nước anh đều có mặt. Vợ anh thì làm ở Công ty Sông Đà 4 nên cũng công tác quanh năm. May có bà ngoại giúp chứ không thì vợ chồng anh chẳng biết xoay sở ra sao. Điều lo lắng nhất của anh là cậu con trai thứ 2 bị bệnh tắc ruột bẩm sinh nên lớn lên quặt quẹo. Anh đi xa biền biệt nên mọi việc nuôi dạy con cái gần như khoán trắng cho vợ và… mẹ vợ. Mỗi năm 2 lần nghỉ phép, nghỉ tết anh phải tính toán thời gian đi lại sao cho hiệu quả nhất để thăm được cả bố mẹ đẻ ở Hưng Yên, bố mẹ vợ ở Hòa Bình và vợ con ở Gia Lai. Vất vả như thế nhưng khi tôi hỏi: Nếu có cơ hội chọn lại anh có làm nghề này nữa không? anh cười chắc nịch: không làm nghề này thì biết làm gì đây. Tôi hiểu không phải một đội trưởng, kỹ sư giỏi như anh không biết làm gì khác mà vì tình yêu các công trình thủy điện đã ngấm vào máu thịt anh rồi.

Đến thời điểm này, tất cả các hạng mục xây dựng công trình Thủy điện Sơn La đã trong tầm kiểm soát. 150 thợ vận hành nhà máy đã được đưa đi đào tạo ở các nhà máy thủy điện lớn trong cả nước. Cuối năm 2010 dòng điện đầu tiên sẽ được hòa lưới điện quốc gia. Năm 2012 cả 6 tổ máy sẽ chính thức đi vào hoạt động, mỗi năm cung cấp cho đất nước 10,2 tỷ kWh điện.

Để tận dụng triệt để nguồn năng lượng của dòng sông Đà, Chính phủ đã chính thức phê duyệt xây dựng dự án Thủy điện Lai Châu, bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Với tổng vốn đầu tư sơ bộ ước tính hơn 32.000 tỷ đồng, Thủy điện Lai Châu có thiết kế mực nước dâng bình thường 295 m, mức nước chết 270 m, công suất lắp máy 1.200 MW với 4 tổ máy. Lượng điện cấp bình quân đạt 4.704 triệu kwh/năm, tiến độ thực hiện trong 9 năm. Thông tin ban đầu cho biết, các đơn vị đang tham gia xây dựng Thủy điện Sơn La sẽ được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục xây dựng Thủy điện Lai Châu. Điều đó đã khẳng định sự tin tưởng của Chính phủ đối với những người đang ngày đêm quên mình vì dòng điện trắng Sơn La.


Theo: Báo Công thương