Ông Jeff Leahey, cán bộ quản lý cao cấp về chính sách nhà nước và pháp luật của Hiệp hội Thuỷ điện Quốc gia (National Hydropower Association - NHA) cho biết: “Đã nhiều năm nay, chưa thấy người ta quan tâm đến thuỷ điện nhiều như vậy.”
Trên quy mô toàn cầu, thuỷ điện chiếm xuýt xoát 20% tổng công suất nguồn điện của toàn thế giới, tức là khoảng 715 GW. Ở Mỹ, thuỷ điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trong nước, chiếm hơn 75 % công suất năng lượng tái tạo hiện nay của đất nước này. Theo ông Linda Church Ciocci, giám đốc điều hành của NHA, tổng cộng ở Mỹ có 2.300 công trình thuỷ điện, sản xuất ra khoảng 8% tổng sản lượng điện năng của nước này.
Nhà máy thủy điện Mayfield (bang Washington, Mỹ)
Trước đây, trọng tâm của ngành thuỷ điện 125 tuổi này là xây dựng các đập mới. Cách đây không lâu, trọng tâm đã chuyển sang bổ sung công suất mới cho các đập có sẵn để phát huy hơn nữa tiềm năng thuỷ điện, thay vì triển khai công trình mới, thậm chí còn tốn kém hơn. Ông Ciocci cho biết, một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của ngành thuỷ điện hiện nay đơn giản chỉ là đấu tranh chống định kiến sai lầm là các đập ở Mỹ “đã được khai thác cạn kiệt”.
Trên thực tế định kiến này trái ngược với sự thật. Các số liệu của NHA cho thấy rằng chưa đầy 3% trong số 80.000 đập ở Mỹ hiện có tiềm năng thuỷ điện. Chi phí khí tự nhiên ngày một tăng cao, luật pháp tăng cường tập trung vào giảm phát thải cacbon, và bổ sung công trình thuỷ điện mới vào đập có sẵn sẽ tiết kiệm chi phí một cách rõ rệt so với xây dựng đập mới, tất cả đều là các yếu tố động lực thúc đẩy ngành thuỷ điện phát triển tăng vọt.
Ủy Ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (Federal Energy Regulatory Commission - FERC) cho biết khoảng 10.000 MW dự án thuỷ điện mới đang đợi cấp phép, và nếu tất cả các dự án này đều được cấp phép thì công suất thuỷ điện nước Mỹ sẽ tăng thêm 10%. Ông Ciocci cũng cho biết còn có thêm 9.000 MW dự án thuỷ điện còn trong giai đoạn chuẩn bị nộp đơn cấp phép.
Một trong các công ty có một số dự án thuỷ điện mới đang xúc tiến triển khai là American Municipal Power - Ohio. Công ty phi lợi nhuận này sở hữu và vận hành các công trình điện, đồng thời cũng phát điện, truyền tải, phân phối điện và năng lượng cho 123 đơn vị thành viên điện lực công cộng ở các bang Ohio, Pennsylvania, Michigan, Virginia, West Virginia và Kentucky. Ông Marc Gerken - chủ tịch và giám đốc điều hành công ty AMP-Ohio cho biết công ty của ông đã tích cực tìm kiếm các dự án thuỷ điện đã được FERC cấp phép để mua.
Ông Gerken nói: “Chúng tôi đã áp dụng phương pháp thực sự chủ động. Chúng tôi lên đường, giao nhiệm vụ cho MWH thăm dò và đánh giá các dự án này, chọn ra 10 dự án tốt nhất dựa vào tính kinh tế và khả năng nhận được giấy phép”. Sau đó AMP-Ohio chủ động quan hệ với 5 trong số những dự án chọn lọc tốt nhất của MWH, các dự án có nhiều khả năng nhất để có thể phát triển một cách hiệu quả.
Đập trên sông Ohio (Mỹ)
Ông Gerken cho biết mở rộng thuỷ điện trong danh mục đầu tư năng lượng của công ty là sự lựa chọn năng lượng tái tạo hiệu quả về chi phí trong môi trường mà việc kiểm soát cacbon ngày càng chặt chẽ như hiện nay. AMP-Ohio đã sở hữu bốn tuabin gió ở bang Ohio. Tuy nhiên, chi phí ước tính cho việc thay thế bằng thuỷ điện cho thấy thấp hơn nhiều so với năng lượng gió, sự lựa chọn là rõ ràng. Ông Gerken cho biết: “Mọi người trong Phòng Kế hoạch của chúng tôi đều ủng hộ thuỷ điện. Chúng tôi đã đến đúng chỗ, đó là vùng Trung Tây. Chúng tôi có thể nhận được nhiều MW điện năng carbon 0 % hơn so với điện năng gió ở đây.”
Tuy nhiên triển khai thuỷ điện mất nhiều thời gian hơn so với năng lượng gió, thậm chí ngay cả khi mọi giấy phép đã được phê duyệt. Ông Gerken nói: “Thuỷ điện đòi hỏi chi phí vốn rất lớn, từ 4.000 đến 4.500 USD cho mỗi kW, so với than vào khoảng 3.000 USD cho mỗi kW hay gió vào khoảng 2.500 USD cho mỗi kW. Thế nhưng theo ông Gerken, thuỷ điện mới có những lợi thế rõ rệt so với than và gió: Nó không phát thải cacbon như than, và độ khả dụng của thuỷ điện đạt 55% đến 65 %, cao hơn nhiều so với gió ở bang Ohio. Ông nói: “Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy quan trọng.”
AMP-Ohio hiện đang triển khai năm dự án mới với qui mô từ 35 MW đến 105 MW, tổng cộng là 344 MW công suất nguồn mới từ các đập có sẵn trên sông Ohio. Theo NHA, các công ty điện lực khác trong nước đang bắt chước họ thực hiện dự án trên các đập có nguồn điện và không có nguồn điện. Ông Ciocci cho biết: “Nhiều đơn vị thành viên của chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu khả thi”. Ông còn nói thêm rằng nhờ đó nhiều hãng sản xuất tuabin tăng hoạt động kinh doanh từ 20 đến 50 %.
Báo cáo vào tháng 3 năm 2007 của Viện Nghiên cứu điện lực Mỹ ủng hộ việc dịch chuyển trọng tâm này đối với sự phát triển ngành thuỷ điện. Bản báo cáo lưu ý rằng đến năm 2025, có khả năng tăng công suất thêm 23 GW, nhờ kết hợp tiềm lực công nghệ thuỷ điện truyền thống và hiện đại.
Với các tiêu chuẩn trong danh mục vốn đầu tư năng lượng tái tạo tạo đà tăng trưởng trên phạm vi cả nước, và sự hiệp lực tự nhiên với năng lượng gió và mặt trời, ông Ciocci cho biết thuỷ điện là một sự lựa chọn năng lượng sạch hiển nhiên. “Có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ ở đây.”