Diễn đàn năng lượng

Tiềm năng tiết kiệm trong công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức

Thứ sáu, 23/8/2019 | 14:32 GMT+7
Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức, các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều điện năng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
 
Ông Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam dẫn chứng, hiện nay khoảng 30% sản lượng điện là dành cho chiếu sáng bao gồm cả chiếu sáng dân dụng và công cộng… nhưng việc ứng dụng các sản phẩm tiết kiệm điện từ công nghệ mới tiêu tốn ít điện năng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. 
 
Ông Nguyễn Quân cho rằng, nếu thay thế các loại bóng đèn hiện hữu bằng công nghệ đèn LED, ở nhiều nơi có nguồn năng lượng mặt trời nếu ứng dụng được thì cũng tiết kiệm được rất lớn lượng điện chiếu sáng. Và, theo tính toán nếu tiết kiệm được một nửa số điện hiện dùng cho chiếu sáng thì sẽ tiết kiệm tương đương với việc không phải xây dựng một nhà máy điện công suất khoảng 4.000MW.
 
Về sử dụng điều hòa cũng được ông Nguyễn Quân nhấn mạnh, hiện nhu cầu sử dụng cũng rất lớn nhất là ở khu vực thành thị, các trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo. Nếu việc ứng dụng công nghệ mới (như công nghệ inveter) đưa vào hệ thống điều hòa để tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện thì cũng cũng sẽ tiết kiệm được một lượng điện tương đối lớn. Việc sử dụng nhiệt độ thấp (18-22 độ) không chỉ chênh lệch với ngoài trời làm ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tiêu tốn điện lớn hơn rất nhiều lần nếu để điều hòa ở mức 26 độ C… 
 
Trong lĩnh vực sản xuất cũng vậy, ông Nguyễn Quân khẳng định tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất lớn. Nếu được nghiên cứu và có các giải pháp đồng bộ thì hiệu quả tiết kiệm điện sẽ lớn. Tuy nhiên, không chỉ ý thức về tiết kiệm điện còn thấp mà các chương trình nghiên cứu khoa học về sử dụng năng lượng hiệu quả còn chưa được quan tâm đúng mức. "Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước (KC-05) mà Bộ KHCN đã duy trì từ nhiều năm là một chương trình KHCN trọng điểm dành cho nghiên cứu về năng lượng nói chung, trong đó có 2 mảng lớn, trước đây có năng lượng hạt nhân và một mảng nữa là năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Từ khi chúng ta dừng chương trình điện hạt nhân thì chương trình KC-05 chỉ còn lại các đề tài, dự án nghiên cứu 1 số lĩnh vực về năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo. Thế nhưng số lượng công trình tham gia vào chương trình này rất là khiêm tốn, chất lượng cũng có thể nói là còn yếu kém. Tôi không hiểu là vì các nhà khoa học không quan tâm hay còn những khó khăn, vướng mắc gì lớn như về địa chỉ ứng dụng, về đầu ra của các đề tài nghiên cứu. Hơn nữa, tôi cũng biết ngay ở các bộ, ngành thì các đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành, cấp cơ sở cũng rất ít đề tài nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả". Ông Quân cho biết.
 
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các nguồn năng lượng sơ cấp không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023. 
 
Tính đến nay hệ thống điện Việt Nam có khoảng 54.000MW điện bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng GDP bình quân khaorng 7%/năm thì năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn điện, đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ, việc thu xếp nguồn vốn cho thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện không hề dễ dàng, các nguồn than, khí nhập khẩu lại phụ thuộc từ bên ngoài… Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện.
 
Ông Vũ Trung Dũng - Trưởng phòng kỹ thuật công ty Công ty Thép Hòa Phát (Nhà máy tại Hải Dương) cho biết, "doanh nghiệp hiện có 5.000 lao động, công ty đầu tư 4 bếp ăn phục vụ cho CBCNV. Trước đây, toàn bộ việc nấu ăn đều sử dụng khí gas với lượng tiêu thụ khoảng 200 tấn/tháng. Sau khi chúng tôi tận dụng hơi nước quá trình nhiệt thải ra từ các công đoạn sản xuất thép và cán thép và hạ giảm áp xuống (còn ở mức 43) để đưa vào bếp ăn và sử dụng hơi nước ấy để dùng trong công đoạn nấu nước cho 4 bếp ăn này. Từ 1 việc làm rất đơn giản nhưng lại rất hiệu quả đó chúng tôi gần như không còn phải sử dụng lượng khí gas nữa. Còn về tiết kiệm điện, chúng tôi đang tận dụng khí khói nóng thải từ công đoạn sản xuất than cốc để đưa vào chạy tua bin máy phát để phát điện. Hiện tại chúng tôi đã đưa vào sản xuất được 4 tua bin với tổng công suất thiết kế lên tới 60MW. Với công suất nguồn này chúng tôi tự đáp ứng được 1/3 lượng điện mà doanh nghiệp sử dụng phải mua của EVN. Trước đây trung bình nhà máy phải mua khoảng 90 triệu kWh điện/tháng giờ tự sản xuất được điện nên giảm 1/3 lượng điện này, tương ứng tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng/tháng".
 
Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn chứng: so với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%, Tuy nhiên, việc sử dụng điện chưa hiệu quả nên về mặt chiến lược, lâu dài vấn đề sử dụng bền vững và hiệu quả năng lượng cần được quan tâm đặc biệt: 
 
Đẩy mạnh thị trường điện gắn với việc sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng cũng là những giải pháp được ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam sau khi tổng hợp các ý kiến và chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản liên quan đến việc sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và hiệu quả thời gian qua, đó là: nhận thức của người dân, về cơ chế chính sách, về công tác quản lý và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Qua đó, ông Cao Đức Phát cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thì phải xử lý được những tồn tại, vướng mắc trong 4 yếu tố này, trong đó phải đặc biệt chú trọng đến biện pháp về thể chế. 
 
"Chúng ta phải nhanh chóng thiết lập một hệ thống thể chế thị trường đồng bộ và hiệu quả. Như vậy, sẽ liên quan đến việc thiết lập thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng – đây là một yếu tố có tính chất then chốt để dẫn dắt, tạo động lực khuyến khích cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả".
 
Theo chia sẻ của ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, bản chất cuối cùng của tiết kiệm năng lượng là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất. Đổi mới, nâng cấp, cải tiến sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là ba yếu tố quan trọng. Nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, cần đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng: Thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp.
Nguyên Long/Icon.com.vn