Trung tâm điều khiển hệ thống điện từ xa của Tổng công ty Điện lực TPHCM.
EVNHCMC đã tạo ra bước tiến mới góp phần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ với mục tiêu mang lại sự thuận lợi nhất cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TP.
Cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện, EVNHCMC đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN, tin học hóa trong các hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng như: Cung cấp dịch vụ trực tuyến, đa dạng hình thức thu tiền điện qua ngân hàng, giải quyết yêu cầu của khách hàng theo cơ chế một cửa… Trước đây, khi thực hiện thủ tục cấp điện cho khách hàng, công nhân điện lực phải trình hồ sơ giấy qua các cấp phê duyệt, mất khá nhiều thời gian đi lại. Nay, với dịch vụ cấp điện điện tử, tất cả các công đoạn đều được thực hiện online.
Để mang lại sự tiện dụng cho khách hàng tối đa, EVNHCMC đã nỗ lực đa dạng hóa hình thức chăm sóc khách hàng qua các kênh của Trung tâm Chăm sóc khách hàng như tổng đài 1900.54.54.54, website http://cskh.hcmpc.vn/, http://www.hcmpc.vn/, email cskh@hcmoc.com.vn, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động (EVNHCMC CSKH), trên Zalo… Đến nay, trừ dịch vụ thu tiền điện đang cung cấp đạt cấp độ 4, tất cả các dịch vụ còn lại đang cung cấp của tổng công ty đều đáp ứng dịch vụ trực tuyến cấp độ 3. Số liệu ghi nhận 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, có 654.184 yêu cầu khách hàng được tiếp nhận, trong đó có 83,78% trường hợp được tiếp nhận dưới dạng dịch vụ trực tuyến cấp độ 3; 16,22% trường hợp còn lại do là do khách hàng tự chủ động liên hệ các quầy giao dịch điện lực để đăng ký dịch vụ.
Đáng chú ý, việc áp dụng hóa đơn tiền điện hình thức điện tử đã thực hiện từ tháng 1-2014 cho tất cả khách hàng sử dụng điện với hơn 2,2 triệu khách hàng ở TP. Ngoài ra, đã ứng dụng điện kế điện tử có tính năng đo xa cho khoảng 10.200 khách hàng lớn và khoảng 1.100 điểm đo đầu nguồn và ranh giới nội bộ. Theo đó, việc thu thập chỉ số hoàn toàn tự động, biểu đồ phụ tải được theo dõi trực tuyến; việc giám sát điều hành thuận lợi, linh hoạt hơn với nhiều công cụ hỗ trợ; tiết giảm được thời gian và nhân lực trong công tác ghi chỉ số hàng tháng. Ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động (EVNHCMC CSKH) đã phát huy tốt hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ OTT để gửi thông tin mang đến sự tiện lợi cho khách hàng và hơn nữa khách hàng không phải tốn chi phí.
Hiện nay ứng dụng được nâng cấp với tính năng định vị điểm thanh toán gần vị trí khách hàng đang dùng thiết bị và thể hiện biểu đồ điện năng tiêu thụ hàng tháng của khách hàng. Trong 6 tháng cuối năm, tổng công ty đưa vào thêm 95.000 điện kế đo xa, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và theo lộ trình đã được EVN phê duyệt, đến năm 2020, toàn thành phố sẽ có trên 1,7 triệu điện kế đo đếm từ xa.
Ứng dụng KHCN trong quản lý, vận hành
Hiện nay, việc phát triển lưới điện thông minh, đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong lĩnh vực kinh doanh điện năng đang được EVNHCMC triển khai mạnh mẽ như công nghệ thi công live-line (thi công trên đường dây đang mang điện) cho việc đấu nối cấp điện, vệ sinh sứ đường dây không phải cắt điện… Cùng với đó, việc ứng dụng các công nghệ mới trong việc thu thập từ xa các dữ liệu đo đếm điện năng đã góp phần nâng cao năng suất lao động trong công tác kinh doanh, cũng như giúp khách hàng giám sát được việc sử dụng điện của mình.
Đến thời điểm này, EVN HCMC đã hoàn tất việc lắp đặt hệ thống đo xa cho 100% điểm đo đầu nguồn và đồng bộ dữ liệu với các điểm đo này, đồng thời tiến hành đo xa cho trên 98% khách hàng lớn tiêu thụ nhiều điện năng.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, năm 2017 được EVNHCMC xác định là năm “Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống điện”. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc thành lập trung tâm điều khiển từ xa, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý vận hành tự động lưới điện với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn toàn TP bao gồm các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế. Hạt nhân của trung tâm điều khiển là hệ thống SCADA/DMS hiện đại đã được đầu tư và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 3-2017 với nhiều trang thiết bị và chức năng tiên tiến.
Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cũng như tăng năng suất lao động, EVNHCMC đã và đang triển khai chuyển đổi mô hình các trạm biến áp 110kV không người trực trên cơ sở trang bị hệ thống SCADA để điều khiển xa toàn trạm, hệ thống PCCC tự động, hệ thống camera giám sát an ninh. Hiện tại đã thực hiện hoàn tất 28/50 trạm hiện hữu, dự kiến hoàn tất các trạm còn lại trong năm 2018. Bên cạnh việc triển khai trạm 110kV không người trực, EVNHCMC cũng đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 22kV. Mục tiêu trong năm 2017 sẽ thực hiện điều khiển từ xa cho 50% các phát tuyến trung thế (tổng cộng khoảng 300 tuyến theo mô hình mini SCADA). Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thi công trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện do công tác trên lưới điện. Đặc biệt, EVNHCMC đã tự nghiên cứu chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện 110kV, 22kV bằng nước áp lực cao (rửa sứ online) cho công ty lưới điện cao thế và các công ty điện lực nhằm phục vụ công tác bảo trì lưới điện không cần cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Triển khai thực hiện đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVNHCMC cũng đã xây dựng và ban hành đề án tổng thể xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn TP giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2025.
Trong năm 2017, để có cơ sở đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc triển khai lưới điện thông minh trong phạm vi một khu vực nhỏ, làm tiền đề cho việc nhân rộng mô hình lưới điện thông minh trên phạm vi toàn TP, EVNHCMC đã lựa chọn và thực hiện thí điểm mô hình Micro Grid (lưới điện thông minh khu vực) tại 4 khu vực: Khu Công nghệ cao quận 9 thuộc phạm vi quản lý của Công ty Điện lực Thủ Thiêm; Khu văn phòng thương mại dọc trục đường Mạc Đĩnh Chi - Lê Duẩn - Nguyễn Du - Tôn Đức Thắng quận 1, thuộc phạm vi quản lý của Công ty Điện lực Sài Gòn; Khu dân cư Miếu Nổi quận Phú Nhuận, thuộc phạm vi quản lý của Công ty Điện lực Gia Định; Khu dân cư Phú Mỹ quận 7, thuộc phạm vi quản lý của Công ty Điện lực Tân Thuận.
Mục tiêu cơ bản của các dự án thí điểm trên là nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khu vực. Ngoài ra, các khu vực trên sẽ được trang bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng cho việc phát triển các ứng dụng lưới điện thông minh trong tương lai như điều chỉnh phụ tải, vận hành thị trường điện…
|