Sự kiện

Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình: Về đích trước hẹn

Thứ năm, 17/12/2009 | 10:00 GMT+7

Tại 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, đến cuối tháng 10/2009 đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân khu vực nông thôn.


 
Người dân được mua điện trực tiếp của ngành Điện, đảm bảo ổn định chất lượng điện áp phục vụ cho công việc cơ khí hóa sản xuất tại làng nghề

Ninh Bình - Về đích trước 2 năm

Đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) và bán lẻ tới tận hộ dân của Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đưa vào Nghị quyết chính trị Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Ninh Bình lần thứ XIX nhiệm kỳ 2006-2010. Trong đó nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Công ty Điện lực Ninh Bình là tập trung chỉ đạo đảm bảo sản lượng và chất lượng phục vụ yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Đến năm 2010, hoàn thành công tác tiếp nhận và quản lý lưới điện hạ áp nông thôn, bán điện trực tiếp đến 50% số hộ dân nông thôn trong toàn tỉnh”.

Thực hiện nhiệm vụ trên, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh là sử dụng điện với chất lượng, an toàn, ổn định, tạo sự công bằng giữa thành thị và nông thôn. Công ty Điện lực Ninh Bình đã tiến hành trình tự các thủ tục tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ thế ở khu vực nông thôn từ cuối năm 2006. Với những nỗ lực của đội ngũ CBCNV trong Công ty, đến cuối tháng 10/2009, đã hoàn thành tiếp nhận được 117/125 xã trong toàn tỉnh (đạt 94% số xã) và bán điện tới 150.000 khách hàng ở các khu vực nông thôn. Về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Những kết quả đó, đã được lãnh đạo địa phương và đại đa số nhân dân trong tỉnh đồng tình ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Công ty trong công tác phát triển kinh tế xã hội. Kế hoạch hết năm 2009, Công ty sẽ thực hiện hoàn thành 15 xã còn lại tại các huyện với 100% số xã hoàn thành công tác tiếp nhận LĐHTNT. Đồng thời, Công ty cũng tập trung nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quản lý và kinh doanh gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của nhân dân các địa phương trong tỉnh. 

Nam Định - Tiếp nhận 195/196 số xã Nam Định

Ông Trần Quốc Đạt - Giám đốc Điện lực Nam Định cho biết: Trước thời điểm tháng 8/2008, toàn tỉnh có 196 xã, với 324 hợp tác xã và tổ chức, cá nhân đứng ra mua buôn và bán lẻ tới 500.000 hộ dân nông thôn sử dụng điện. Hạ tầng lưới điện nông thôn được xây dựng trên 20 năm, không được cải tạo do thiếu vốn đầu tư, nên đã xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân tại các địa phương về giá bán điện và chất lượng điện áp.

Thực hiện kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn do EVN giao, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của UBND tỉnh và chính quyền địa phương các cấp, Điện lực Nam Định đã tiến hành tiếp nhận ngay trong những tháng cuối năm 2008 được 70 xã/196 xã phải tiếp nhận, với 160.000 hộ dân nông thôn. Đến ngày  30/9/2009, sau một năm, Điện lực Nam Định đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận LĐHANT tại 195/196 xã, với 488.000 hộ dân được Điện lực bán điện trực tiếp. Đạt kết quả cao nhất trong các đơn vị thuộc Công ty Điện lực 1. 

Thái Bình - Quyết liệt và khẩn trương

Cũng như Nam Định, Điện lực Thái Bình triển khai tiếp nhận lưới điện HANT từ tháng 10/2008, theo nguyên tắc: Tự nguyện, tăng tài sản cho bên nhận, giảm tài sản cho bên bàn giao - không hoàn trả giá trị còn lại đối với lưới điện hạ thế nông thôn. Tỉnh Thái Bình trước đó được hỗ trợ triển khai dự án Năng lượng nông thôn II (RE II) và RE II mở rộng về lưới điện nông thôn của 90 xã, vì thế   Điện lực Thái Bình chỉ còn thực hiện tiếp nhận 180 xã/270 xã của toàn tỉnh tại 8 huyện, thị.

Sau một năm thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đến cuối tháng 10/2009, Điện lực Thái Bình đã hoàn thành tiếp nhận tại 165 xã, với khối lượng 2.242 km đường dây hạ áp, tổng giá trị tài sản còn lại 20,725 tỷ đồng, số lượng khách hàng tiếp nhận là 230.447 khách hàng. Kế hoạch đến cuối quý IV/2009, Điện lực Thái Bình sẽ hoàn thành tiếp nhận 15 xã còn lại, hoàn thành 100% số xã trong tỉnh. Dự kiến, đơn vị sẽ về đích trước 6 tháng so với chỉ tiêu của Công ty Điện lực 1 giao. 

Tổn thất giảm đáng kể

Ông Trần Quốc Đạt - Giám đốc Điện lực Nam Định cho biết: Sau khi tiếp nhận quản lý, và bán điện trực tiếp đến hộ nông dân, công việc của ngành Điện hết sức bộn bề, khó khăn. Một mặt do thiếu vốn để cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện, mặt khác là những trăn trở vì tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các đơn vị cũng nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về chủ trương ưu tiên vốn, vật tư thay thế như hòm công tơ, hộp công tơ để cải tạo lưới điện nông thôn.

Tại Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, sau khi tiếp nhận LĐHANT, các đơn vị Điện lực đều tập trung nguồn nhân lực, vật tư để đầu tư cải tạo tối thiểu các đường dây cũ nát, thay thế cột điện hư hỏng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; triển khai phương án kỹ thuật xây dựng thêm các trạm biến áp... Điện lực Nam Định đã đầu tư gần 200 tỷ đồng trên tổng số 400 tỷ đồng giai đoạn 1, hoàn thành cải tạo lưới điện tại 82 xã. Ngay lập tức, tổn thất điện năng của các xã đang từ mức 30-35% giảm xuống còn 16-17%.

Tính toán sơ bộ của các Điện lực với tỉ lệ giảm tổn thất này, hàng tháng lượng điện năng tiết kiệm được gần 3 triệu kWh, với việc đầu tư hoàn thiện lưới hạ thế, tổn thất sẽ giảm xuống 8%, tương đương tiết kiệm điện trên 11 triệu kWh/tháng. Hơn thế nữa, sau khi ngành Điện tiếp nhận và quản lý LĐHANT, đến nay công tác an toàn điện nông thôn được đảm bảo, ý thức sử dụng điện của người dân được nâng cao, giảm đáng kể số vụ tai nạn điện dẫn đến chết người. 

Người nông dân thực sự hưởng lợi

Ông Đoàn Thanh Bằng, trưởng thôn Bình Yên - xã Nam Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định cho biết: Thôn Bình Yên hiện có gần 200 hộ làm nghề cơ khí, đúc nhôm - đồng, thời gian trước khi ngành Điện quản lý, nhiều hộ phải đình đốn sản xuất vì điện phập phù. Nhưng đến nay, các hộ đã phát triển sản xuất kinh doanh trở lại, doanh thu tăng, tiền điện lại đóng theo giá Nhà nước quy định. Người dân địa phương đã thấy rõ được lợi ích sau bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý.

Mục tiêu của EVN trong việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn sẽ được hoàn tất trong năm 2010 với số lượng tiếp nhận gần 5.600 xã và trên 7 triệu hộ gia đình dùng điện. Tại tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình, các đơn vị Điện lực đã sớm hoàn thành công tác tiếp nhận là điều kiện tốt để tập trung thực hiện công tác đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn, đảm bảo chất lượng và an toàn cho nhân dân tại khu vực nông thôn. Đây chính là điều kiện quan trọng để các địa phương phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

Đẩy mạnh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, bán điện trực tiếp tới hộ dân là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc của EVN, đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo tinh thần Nghị quyết trung ương lần thứ VII (khóa X) của Đảng.

- Tổng khối lượng LĐHANT cần tiếp nhận theo Nghị quyết của HĐQT EVN: 5.600 xã với trên 7 triệu hộ khách hàng.

- Năm 2008, toàn EVN tiếp nhận 553 xã, bán điện tới 766 nghìn hộ; 9 tháng đầu năm 2009:  tiếp nhận 2.147 xã với 2,3 triệu hộ dùng điện.

- Tính đến cuối tháng 9/2009, EVN đã bán điện trực tiếp tới khách hàng tại 6.364 xã ( đạt 72% tổng số xã có điện) với gần  8,83 triệu số hộ nông thôn (đạt 65% số hộ dân nông thôn).

Hiệu quả sau khi ngành Điện tiếp nhận LĐHANT:

- Người dân được hưởng đúng giá bán điện theo quy định của Chính phủ;

- Chất lượng điện áp cải thiện cao.

- Thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

- Đảm bảo an toàn điện.

- Giảm tổn thất điện năng từ 25 - 30% xuống còn 15 - 18%.

Những công việc cải tạo cơ bản sau khi ngành Điện tiếp nhận:

- Đảm bảo hành lang tuyến an toàn;

- Thay thế toàn bộ hệ thống tiếp địa lặp lại, công tơ đo đếm, xà sứ…

- Sửa chữa, nâng cấp hệ thống dây dẫn xuống cấp không đảm bảo an toàn;..

- Để đầu tư hoàn chỉnh, mỗi xã cần trung bình 3,7 tỷ đồng.

- Điện lực Nam Định:

+ Hoàn thành cải tạo nâng cấp lưới điện giai đoạn 1 tại 82/195 xã với tổng số vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng;
+ Dự kiến đến hết năm 2010, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 cho tất cả 196 xã đã tiếp nhận với tổng số vốn là 400 tỷ đồng. 

- Điện lực Thái Bình:

+ Cải tạo hoàn chỉnh 10 xã giai đoạn 1 với số vốn 30,5 tỷ đồng;
+ Số xã cần cải tạo giai đoạn tối thiểu và hoàn chính là 155 xã với tổng số vốn là 225,75 tỷ đồng.

- Công ty Điện lực Ninh Bình:

+ Thành lập mỗi xã 1 điểm dịch vụ lưới điện HANT,
+ Cử công nhân trực 24/24h để tiếp nhận thông tin sửa chữa lưới điện cho nhân dân tại khu vực nông thôn.

Theo: Tạp chí Điện lực