Quản lý năng lượng

Tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang: Từ chính sách đến hành động. Bài 3: Phát huy vai trò của cơ quan quản lý

Thứ hai, 25/3/2024 | 15:00 GMT+7
Để chương trình tiết kiệm năng lượng đi vào thực chất và hiệu quả, vai trò của cơ quan quản lý tại địa phương hết sức quan trọng.

Điện lực Lạng Giang kiểm tra TBA kết hợp tuyên truyền an toàn điện đến nhân dân. Ảnh: Thanh Hương.

Tăng cường công tác tham mưu, kiểm tra giám sát

5 năm gần đây, lượng điện tiêu thụ của tỉnh Bắc Giang liên tục tăng, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đứng top đầu cả nước. Giai đoạn 2016-2020, điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 21,23%. Điện thương phẩm năm 2022 tăng 18,32% so với năm 2021. Sản lượng điện thương phẩm năm 2023 tăng 12,27% so với năm 2022. Điều này khẳng định sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, song cũng tạo sức ép lớn về cung cấp điện.

Dự báo năm 2024 nhu cầu phụ tải sử dụng điện tỉnh Bắc Giang cao nhất đạt khoảng 1.290MW, so với công suất đỉnh năm 2023 tăng 15,8%, trong đó cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 12 với mức công suất đỉnh của tỉnh được dự báo từ 1.105MW-1.290 MW.

Do vậy để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện quốc gia, nâng cao ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi Luật Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả, Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ: Về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 (Chỉ thị số 20)..., thì vai trò của cơ quan quản lý năng lượng tại địa phương có ý nghĩa tiên quyết.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hoàn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang rất cao đi kèm với đó là nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng lên. Chúng tôi có gần 100 doanh nghiệp thuộc danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngay sau khi Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn, quy định rõ trách niệm của từng cơ quan đơn vị thực hiện Chỉ thị.

“Hiện Sở Công Thương đang yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo kết quả năm 2023 và chuẩn bị phương án kịch bản xấu nhất trong trường hợp thiếu điện mùa khô và mùa nắng nóng năm 2024 để đảm bảo sản xuất ổn định”- ông Nguyễn Đức Hoàn cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, hàng năm căn cứ tình hình thực tế, Sở sẽ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị về tiết kiệm điện trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ động ban hành những văn bản tới các tổ chức, cá nhân để hướng dẫn thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Phổ biến quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch hàng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; những quy định dán nhãn năng lượng cho các thiết bị sử dụng năng lượng; tổng hợp danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm báo cáo Bộ Công Thương…

“Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thanh tra, kiểm tra thực hiện luật. Qua đó, quy định rõ trách nhiệm thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp và trách nhiệm của DN cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong tuân thủ các quy định của pháp luật về tiết kiệm năng lượng”- ông Hoàn cho biết thêm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Có thể khẳng định, trong những năm vừa qua chất lượng điện cung cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là đối với các khu công nghiệp cơ bản được đảm bảo, ổn định.

Nói về kinh nghiệm của địa phương ông Nguyễn Đức Hoàn cho hay, đó là nhờ công tác bám sát hoạt động của doanh nghiệp qua đó kịp thời hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn doanh nghiệp kịp thời tuân thủ và thực thi các quy định của Trung ương và địa phương về sử dụng năng lượng.

Điện lực Lục Nam tuyên truyền tiết kiệm điện, an toàn điện tại doanh nghiệp.

“Đặc biệt, công tác quy hoạch đóng vai trò then chốt. Tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tập trung vào lập quy hoạch tỉnh trong đó có lập phương án phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh làm sao đáp ứng nhu cầu điện của doanh nghiệp và phát triển kinh tế -xã hội”- ông Hoàn nhấn mạnh.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng của ngành điện, Sở Công Thương cũng đã kịp thời hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, thỏa thuận tuyến… cũng như các bước trong quá trình triển khai xây dựng để giảm tối đa thời gian đầu tư của dự án.

“Sở Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương thông qua dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (dự án IEEP), qua đó đã triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thông qua hệ thống trực tuyến: Xây dựng các quy trình đánh giá tình hình sử dụng năng lượng, kiểm tra, giám sát, cải tiến quy trình; giai đoạn 2021-2025 thực hiện thí điểm kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng, phát triển carbon thấp trong lĩnh vực công nghiệ,... Thông qua hệ thống báo cáo online của doanh nghiệp chúng tôi có thể kiểm soát sản lượng điện, sử dụng năng lượng hàng tháng/quý/năm và bất kỳ thời điểm nào của DN để từ đó có khuyến cáo đến DN trong việc sử dụng năng lượng đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả“- ông Hoàn cho hay.

Với các khách hàng là doanh nghiệp tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm, Sở Công Thương đã đề nghị Công ty Điện lực Bắc Giang phối hợp với khách hàng tổ chức ký thỏa thuận điều chỉnh phụ tải (DR), dịch chuyển phụ tải; ký cam kết tiết kiệm điện và thỏa thuận huy động máy phát điện diesel với khách hàng lớn; phối hợp với khách hàng tổ chức kiểm tra việc thực hiện các thỏa thuận/cam kết đã ký; Thực hiện nghiêm túc phương án cung ứng điện năm 2023-2025 khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn điện hoặc vận hành trong chế độ cực kỳ khẩn cấp, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 31/01/2024…

Có thể khẳng định, thời gian qua công tác triển khai thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã thu được những kết quả tích cực.

Theo đó, việc thực hiện lập Kế hoạch hằng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được các đơn vị thực hiện thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng trọng điểm. Việc thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành công nghiệp trọng điểm theo quy định của Bộ Công Thương cũng được triển khai đồng bộ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 04 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan phải thực hiện quy định về định mức tiêu hao năng lượng. Hằng năm, các cơ sở được hướng dẫn thực hiện tính toán suất tiêu hao năng lượng, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng để đảm bảo suất tiêu hao nhỏ hơn định mức tiêu hao năng lượng theo quy định.

PC Bắc Giang đang tập trung nguồn lực đảm bảo cấp điện ổn định trong năm 2024.

Cùng với đó, Công ty Điện lực Bắc Giang đã ký kết thỏa thuận thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải với 284 doanh nghiệp sử dụng điện lớn với tổng công suất đăng ký tiết giảm là 70,9MW, cam kết tiết kiệm điện trong năm 2024 theo Chỉ thị số 20 với sản lượng hơn 94,8 triệu kWh. Các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm đã thực hiện tuyên truyền cho cán bộ, công nhân về ý thức tiết kiệm điện và dán tại các bảng thông báo, một số đơn vị còn ban hành nội quy, quy chế sử dụng năng lượng, có hình thức khen thưởng nhằm động viên, khích lệ ý thức tiết kiệm năng lượng.

Các giải pháp và hành động cụ thể trên được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và an toàn điện trong giai đoạn nắng nóng cao điểm năm 2024.

Link gốc

 

Theo: Báo Công thương