“Tiết kiệm điện-Thành thói quen” là thông điệp của sự kiện Giờ Trái đất năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
“60+” là biểu tượng của Chiến dịch Giờ trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007, với ý nghĩa Giờ Trái Đất không chỉ dừng lại ở 60 phút “tắt đèn” mà còn hơn thế nữa. Hưởng ứng chiến dịch này, trong suốt 15 năm qua, Việt Nam kiên trì truyền thông các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện gắn với bảo vệ môi trường, trong đó Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024, Việt Nam lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện-Thành thói quen” tới cộng đồng.
Áp lực nguồn cung điện năng
Trong năm 2023, tình hình thủy văn các hồ thủy điện có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện nước về rất ít, riêng tháng 4 và đầu tháng 5/2023, nước về nhiều hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2024 Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch tăng trưởng điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng cơ bản được là 6,15%, tăng trưởng ở mức cao là 9%.
Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024 đã chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế, điện thương phẩm đã tăng trưởng hơn 13% trong 2 tháng vừa qua. Chính vì vậy, việc thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu trong Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta có thể đảm bảo điện trong năm 2024.
Thực tế, để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống, nguồn điện khai thác từ nhiệt điện than đã chiếm tới hơn 50% sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống điện. Vì vậy, “Tiết kiệm điện-Thành thói quen” - thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện tiếp tục được Bộ Công Thương lựa chọn để lan tỏa tới cộng đồng trong Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024, nhằm cùng lúc đạt được 2 mục đích, đó là góp phần đảm bảo cung ứng điện và bảo vệ môi trường.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết năm 2020 lĩnh vực năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng phát thải khí nhà kính. Theo kịch bản phát triển thông thường, tỷ trọng này có thể lên đến 80% vào năm 2030.
“Nếu không có những hành động quyết liệt để giảm mức phát thải khí nhà kính thì khó đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26,” ông Trịnh Quốc Vũ nói.
Cũng theo đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, trong các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, ngoài phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thì sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng có ý nghĩa rất lớn giúp cho Việt Nam tiết kiệm được nguồn kinh phí (nguồn ngoại tệ) để nhập khẩu nguyên liệu năng lượng sơ cấp, bảo vệ môi trường, qua đó giúp đất nước có một môi trường và tương lai Xanh hơn.
Cần hành động mạnh mẽ
Theo dự báo, năm 2024 và các năm tới đây, căng thẳng nguồn cung ứng điện vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là vào các tháng cao điểm mùa khô ở khu vực miền Bắc. Nhiều công trình nguồn điện, lưới điện đang được gấp rút triển khai khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã được phê duyệt. Thế nhưng, nguồn điện đầu tiên và thiết thực nhất để giảm bị cắt điện do thiếu điện chính là nguồn điện có được từ sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện.
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin theo quyết định ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Hơn 3.000 cơ sở này có mức tiêu thụ điện cỡ hơn 80 tỷ kWh điện/năm (khoảng hơn 32% trên tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc), nếu như thực hiện tiết kiệm tối thiểu là 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm theo quy định tại Chỉ thị 20/CT-TTg thì hàng năm, khối cơ sở trọng điểm này có thể tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện và là một con số rất lớn.
Trong khi đó, đối với các cơ sở sử dụng điện trọng điểm (sử dụng điện từ 1 triệu kWh điện/năm trở lên) cả nước có 16.850 cơ sở với tổng mức tiêu thụ điện là trên 111 tỷ kWh điện/năm, tương đương gần 50% tổng điện năng tiêu thụ của toàn quốc.
“Có thể thấy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong khối các doanh nghiệp góp phần rất quan trọng để giúp giảm được áp lực cung cấp điện cho toàn hệ thống điện, đồng thời cũng là giải pháp thiết thực giúp cho chính các doanh nghiệp đó giảm được các chi phí đầu vào - là chi phí tiền điện và năng lượng, cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế,” ông Trần Viết Nguyên nói.
Thực tế, các hoạt động truyền thông như: Lễ phát động toàn dân thực hiện tiết kiệm điện và Hoạt động chạy hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 có sức lan tỏa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng đối với bảo vệ môi trường.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh, cho rằng để đạt được Net Zero vào năm 2050, thách thức liên quan đến câu chuyện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng càng trở nên lớn hơn.
Trong trường hợp này nếu các giải pháp, các công nghệ mới áp dụng mà không xem xét về vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, điện năng ngay từ đầu sẽ dẫn tới một sự lãng phí, gây áp lực rất lớn lên cơ quan quản lý, điều hành hệ thống điện Quốc gia và dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đảm bảo các yếu tố như an ninh năng lượng, công tác vận hành rồi chi phí giá cả…
Theo phân tích của chuyên gia năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện ở nước ta còn rất lớn, đặc biệt là tiêu dùng điện năng lớn. Vì vậy, cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa tiềm năng tiết kiệm năng lượng thành kết quả cụ thể.
Giờ Trái đất là hoạt động xã hội quốc tế được tổ chức thường niên do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khởi xướng. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ năm 2009 đến nay.
“Tiết kiệm điện-Thành thói quen” chính là thông điệp của sự kiện Giờ Trái đất năm 2024. Sự kiện sẽ diễn ra từ 20h30-21h30 thứ bảy, ngày 23/3. Giờ Trái đất không chỉ mang thông điệp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong một giờ đồng hồ mà còn kêu gọi mọi cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp thường xuyên sử sụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và trở thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày.
Link gốc