Diễn đàn năng lượng

Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho mùa nắng nóng 2022

Thứ năm, 19/5/2022 | 17:52 GMT+7
Ngày 18/5, tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng 2022” đã diễn ra tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm
 
Tọa đàm do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Báo Kinh tế đô thị tổ chức.
 
Tọa đàm với các khách mời là các chuyên gia đến từ EVN ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Phó Ban chỉ đạo Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia cao cấp năng lượng, Thường trực Hội đồng Khoa học - Biên tập, tạp chí Năng lượng Việt Nam; ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; chuyên gia phản biện: PGS, TS Nguyễn Cảnh Nam, Uỷ viên Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Dẫn chương trình là nhà báo Nguyên Long đến từ Ban thời sự Đài tiếng nói Việt Nam.
 
Giải quyết bài toán nhu cầu điện cho phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19
 
Tọa đàm đã diễn ra 2 phiên; Phiên 1 với chủ đề: Nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi và phương án đảm bảo điện trong thời gian cao điểm nắng nóng và phiên 2 với chủ đề: Tiết kiệm điện.
 
Tại phiên 1, vấn đề được đưa ra đó là căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế xã hội 2022 theo Nghị quyết Quốc hội để đạt tăng trưởng GDP 6-6,5% đồng thời chuẩn bị cho triển khai phục hồi nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, EVN đã xây dựng 2 kịch bản trăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản1: Tăng trưởng 8,3% tương ứng sản lượng điện sản xuất 275,5 tỷ kWh; Kịch bản 2: Tăng trưởng 12,4% tương ứng sản lượng điện >286 tỷ kWh. Để đảm bảo được các mục tiêu trên EVN đã có những giải pháp như thế nào?
 
Trả lời về vấn đề này, đại diện EVN ông Võ Quang Lâm cho biết: EVN đã báo cáo Bộ Công Thương các kịch bản sản xuất điện đảm bảo nhu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đời sống nhân dân. Trên cơ sở đó EVN đề ra 2 nhóm giải pháp về vận hành:
 
Nhóm giải pháp đầu tiên, từ quý IV/2021 chỉ đạo trung tâm điều độ quốc gia, các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập, đề nghị các đối tác rà soát, vận hành bảo dưỡng để đảm bảo vận hành cao nhất ngay từ đầu năm 2022.
 
Đồng thời như thường niên, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đảm bảo chương trình xả nước đổ ải Đông Xuân, làm việc với các tỉnh thành phố liên quan dọc tuyến sông Hồng để có kế hoạch lấy nước và tiết kiệm nguồn nước cao nhất. Đảm bảo các nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện chạy dầu có độ dự phòng sẵn sàng đảm bảo vận hành.
 
Đặc biệt, các giải pháp đảm bảo các lưới điện của các tỉnh, thành phố đảm bảo sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý 1/2022.
 
Ngoài ra, chúng tôi có phương án nguồn điện bổ sung đảm bảo cả hai kịch bản tăng trưởng 8,3 và 12%, đảm bảo cho việc đưa điện từ Trung - Nam ra Bắc ở mức độ cao nhất. Vận động người dân dọc hành lang tuyến để không phát sinh sự cố đường truyền, rút kinh nghiệm từ những năm trước khi có những sự cố bất thường gây ra sự cố đường truyền Bắc Nam.
 
Bên cạnh đó, EVN cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án truyền tải cũng như chỉ đạo các công ty điện lực làm việc với chủ doanh nghiệp để sẵn sàng huy động thêm khoảng 18.000 máy phát điện diesel, có khả năng bổ sung thêm khoảng 7.500 MPA, tương đương 7.000 MW, sẵn sàng trong trường hợp cần thiết bổ sung nguồn điện tại chỗ, hỗ trợ giải toả bớt áp lực cho hệ thống điện chung.
 
Hiện nay EVN đã có những giải pháp nhằm tăng nguồn cung như tăng cường mua điện từ các nước láng giềng, tăng cường trao đổi mua bán điện giữa các nước trong khu vực ASEAN và khu vực sông Mekong và các đối tác khác nằm trong thị trường điện cùng khu vực. Về ngắn hạn, ngành điện đã tăng cường các giải pháp căn cơ trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo vận hành tối ưu, điều chỉnh phụ tải… Giải pháp nữa mà chúng tôi khuyến khích khách hàng là sử dụng năng lượng tiết kiệm. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của chúng ta ở nhiều lĩnh vực còn rất khả quan.
 
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai, theo ông Võ Quang Lâm, khó khăn lớn nhất cuối 2021, lượng thủy văn suy giảm bất thường. Dọc sông Đà mực nước dưới 2-4m, đặc biệt một số nhà máy thấp hơn 6m. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng than tăng trở lại sau dịch Covid-19, năng lực sản xuất than của các nước giảm sút gây áp lực cho nguồn cung năng lượng.
 
Nhìn nhận và đánh giá về các giải pháp của EVN để thực hiện được 2 kịch bản trên, ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định, đi cùng với các giải pháp đảm bảo nguồn cung điện năng của EVN thì giải pháp bền vững hơn cả đó là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nếu làm tốt thì sẽ giảm áp lực cung ứng điện, tăng hiệu quả chung của nền kinh tế.
 
Cụ thể, ông Trịnh Quốc Vũ đã dẫn chứng nếu mỗi địa phương đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng đạt mức 2% theo tinh thần Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện thì Việt Nam sẽ giảm hàng tỷ kWh mỗi năm, điều này mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế.
 
Nhìn nhận và đánh giá về những tác động tới việc đảm bảo năng lượng nói chung và điện năng nói riêng cho sản xuất và đời sống, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Hiện các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường, chắc chắn nhu cầu điện năng sẽ tăng lên rõ rệt trong thời gian tới.
 
“Nói đến kịch bản tăng trưởng, tôi lấy con số trung bình từ 8-12%, là khoảng 9%, tương đương phải bổ sung 5.500-6.000 kWh công suất mới mỗi năm. Nếu bổ sung từ các nguồn năng lượng tái tạo, thì đặc điểm của các nguồn cung này là không ổn định. Như năm nay có thể không có nguồn nào. Có lẽ cuối năm sẽ có nguồn sông Hậu mới vào, nhưng so với nhu cầu mới 5.000 thì cũng không đáng kể. Các nguồn khác, như điện khí, thì cũng chưa đáng kể. Như vậy thấy là khó khăn đổ hết lên đầu EVN, làm sao để đảm bảo vận hành tối đa trong bối cảnh nguồn cung ít mà nhu cầu cao. Đó là chưa kể đến những tác động của tình hình chính trị quốc tế”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
 
Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn cho biết thêm, tác động của xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Sơn, hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với câu chuyện thiếu nguồn cung năng lượng cục bộ. Các chuỗi dự án năng lượng tái tạo đa phần tập trung ở miền Trung và niềm Nam trong khi thuỷ điện cũng đang là thách thức. "Tôi hy vọng trong thời gian tới EVN và Bộ Công Thương sẽ có phương án để đảm bảo nhu cầu cung ứng nguồn năng lượng sơ cấp trong dài hạn" - ông Sơn nói.
 
Thách thức cho nguồn cung năng lượng
 
Để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo các mục tiêu đề ra, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong đó có điện năng là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm đã xuất hiện rất rõ những nguy cơ tác động tới việc đảm bảo nguồn cung và giá của rất nhiều mặt hàng nhiên liệu/năng lượng như dầu thô, than đá, xăng dầu…
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn: Nguồn cung năng lượng từ Nga nghẽn lại sẽ ảnh hưởng đến bức tranh chung về chuyển dịch thị trường năng lượng sơ cấp toàn thế giới. Về dài hạn cần có chiến lược ổn định nguồn cung năng lượng sơ cấp, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phục hồi phát triển kinh tế và an ninh năng lượng trong nước.
 
Do đó, theo ông Tuấn, về dài hạn cần có chiến lược ổn định nguồn cung năng lượng sơ cấp, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phục hồi phát triển kinh tế và an ninh năng lượng trong nước.
 
Còn ông Võ Quang Lâm cho hay: "Đối với ngành điện, chúng tôi phải đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất là với 78 nghìn MW, chúng ta đứng đầu ASEAN về công suất lắp đặt. Nhưng khi thời tiết biến động, điện mặt trời cũng không phát huy được 17 nghìn MW, điện gió cũng chỉ huy động được rất khiêm tốn. Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo. Do đó, trong 4 tháng vừa qua, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện quốc gia".
 
Có thể thấy, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng năng lượng của các quốc gia đều tăng, cùng với đó là xu hướng tự chủ, giảm xuất khẩu năng lượng của nhiều nước để giữ năng lượng lâu dài cho bản thân các quốc gia đó, đã đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong đảm bảo cung ứng năng lượng.
 
“Trong bối cảnh từ nay và có thể là các năm sau, khi nguồn cung năng lượng thế giới dồi dào sẽ làm chuyển dịch nguồn cung thị trường năng lượng sơ cấp của thị trường thế giới. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của bức tranh chuyển dịch chung này. Chính vì vậy, về dài hạn, cần phải có chiến lược để ổn định nguồn cung năng lượng sơ cấp nhằm đảm bảo cung ứng năng lượng tại Việt Nam” - ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng nhấn mạnh.
 
Tiết kiệm năng lượng- giải pháp bền vững
 
Hiện nay, công suất của hệ thống điện đã đạt hơn 70 nghìn MW, trong đó công suất năng lượng tái tạo chiếm tới 30%. Tuy nhiên, công suất huy động được chỉ khoảng 7%. Do đó, hệ thống điện phải phụ thuộc vào các nguồn điện truyền thống.
 
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo thời tiết quốc gia, từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay sẽ liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng diện rộng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên cả nước tăng vọt. Bên cạnh các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện năng cho sản xuất và tiêu dùng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là “chìa khóa” giúp hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục.
 
Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, phải triển khai mạnh mẽ các giáp pháp từ trung ương đến địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ, thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ, hiệu quả năng lượng cao. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ thông qua hoạt động đào tạo cho các đơn vị sử dụng năng lượng,... thúc đẩy mô hình phát triển thị trường năng lượng.
 
Còn ông Quang Lâm cho rằng, việc tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân đã được thực hiện rất nhiều năm thông qua các phong trào, chiến dịch, chương trình... Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, hiệu quả của các chương trình này vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong thời gian tới, theo ông Lâm, EVN sẽ tập trung vào các giải pháp căn cơ như: hoàn thiện cơ chế chính sách, thay đổi việc chỉ khuyến khích người dân, doanh nghiệp thì phải chuyển sang cơ chế bắt buộc và phải được luật hoá. Bên cạnh đó, phải có cơ chế về tài chính để xã hội hoá được việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tạo đòn bẩy kinh tế cho người dân, doanh nghiệp mong muốn, có khả năng thì họ có đủ tiềm lực tham gia. Ngoài ra, cơ chế về giá điện cần thay đổi, phải linh hoạt hơn rất nhiều so với cơ chế hiện nay.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, các giải pháp về trung hạn và dài hạn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang triển khai hiện nay là rất hợp lý. Tuy nhiên để hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là ý thức tiết kiệm điện của mỗi người. "Tôi cho rằng, vào mùa nắng nóng, để giảm áp lực cho hệ thống điện thì ý thức tự quản lý mức tiêu thụ năng lượng của mỗi người, mỗi doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình có thể lắp điện mặt trời áp mái để sử dụng, vừa che chắn nóng, vừa giảm tiền điện, từ đó góp phần giám áp lực cho hệ thống điện".
 
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi và làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
 
Có thể thấy, lợi ích từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất rõ ràng. Để có thể đạt được phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, tháng 11/2021, cùng với việc phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, giảm mạnh tiêu thụ các nguồn năng lượng hoá thạch thì sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là yêu cầu bắt buộc. Vấn đề còn lại là hoàn thiện và thực thi chính sách, hành động của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân… trên cả nước.
 
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 - 2030.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương