Kỳ 1: Tăng cường quản lý nhà nước
Ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật
Để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các hoạt động TKNL trên toàn quốc, cùng với sự ra đời của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) và hàng loạt văn bản liên quan đến TKNL giai đoạn 2006-2010, năm 2011 và 2012, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bên liên quan xây dựng và ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật (2 nghị định, 3 quyết định, 2 thông tư). Dự kiến trong quý III/2013 sẽ lấy ý kiến và ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương về hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về SD NLTK&HQ giai đoạn 2012-2015.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù Luật Sử dụng NLTK&HQ có hiệu lực từ 1/1/2011 là văn bản luật có tính pháp lý cao, nhưng nhìn chung, hệ thống các văn bản chính sách về TKNL còn chưa đồng bộ. Các văn bản pháp luật cũng còn thiếu một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về TKNL nói chung và các công trình xây dựng nói riêng. Cụ thể, như: quy định về việc sử dụng hệ thống điều hòa không khí, lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu TKNL…
Công ty CP Bia Sài Gòn đã áp dụng thành công nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Ảnh: Ngọc Loan
Hiệu quả từ mạng lưới quản lý năng lượng
Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ít nhất 30% nhu cầu năng lượng phải được đáp ứng bằng biện pháp tiết kiệm. Đây là yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách năng lượng cần lưu tâm.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiềm năng TKNL bình quân trong ngành công nghiệp vẫn còn hơn 20%. Hiện tại, năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Ví dụ, các nhà máy thép Việt Nam cần 11,32 - 13,02 triệu Kcal để sản xuất 1 tấn thép từ quặng, cần 2,82 triệu Kcal luyện 1 tấn thép từ thép phế liệu, trong khi các nước tiên tiến con số này là 4 triệu và 2 triệu Kcal.
Để Luật SDNLTK&HQ đi vào cuộc sống, Văn phòng TKNL - Tổng cục năng lượng (Bộ Công Thương) đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền các nội dung về Luật SDNLTK&HQ và các văn bản liên quan nhằm hướng dẫn, khuyến khích sử dụng các phương tiện, thiết bị TKNL, đẩy mạnh ứng dụng các năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Chỉ đạo các Sở Công Thương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015. Xây dựng các Trung tâm TKNL với 12 cơ sở tại các địa phương, trên 30 Trung tâm khuyến công và các công ty, trung tâm tư vấn thực hiện chuyển giao công nghệ trên phạm vi toàn quốc. Nhiều dự án trình diễn trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đã đạt hiệu quả cao, nhiều dự án trong lĩnh vực chiếu sáng và khí sinh học đã thành công, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc ban hành chương trình hành động và kế hoạch cho từng năm được các địa phương phê duyệt và ủng hộ tích cực. Nhờ đó, các chương trình quảng bá sản phẩm TKNL ngày càng hiệu quả. Điển hình như: bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, chuyển đổi đèn compact và bóng đèn huỳnh quang gầy T8, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... đã được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng rộng rãi.
Năm 2012 ,Văn phòng TKNL đã tổ chức đào tạo cho 55 DN với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia về hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001. Đào tạo về tối ưu hóa hệ thống hơi trong công nghiệp cho 52 DN với hơn 80 cán bộ và 28 chuyên gia về lò hơi. Cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho 11 DN triển khai hệ thống ISO 50001. Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thực hiện các biện pháp SDNLTK&HQ. Đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề cho 110 kiểm toán viên trên toàn quốc. Dự kiến năm 2013 sẽ đào tạo khoảng 100 kiểm toán viên năng lượng cho các đơn vị tư vấn. Ban hành 2 bộ tài liệu chuẩn đào tạo về kiểm toán và quản lý năng lượng; 2 bộ tài liệu đào tạo kiểm toán năng lượng nâng cao cho các ngành Dệt, ngành Bia; Phát triển dịch vụ kỹ thuật và tài chính để thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến SDNLTK&HQ. Năm 2012, Văn phòng TKNL đã kết hợp với EVN, Công ty mặt trời Bách Khoa đầu tư theo mô hình ESCO khi tham gia đầu tư hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp trên cả nước với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng.
Năm 2012, Chương trình đã xây dựng định mức năng lượng cho ngành sản xuất thép, xi măng. Năm 2013 sẽ xây dựng cho ngành hoá chất, thực phẩm/bia, và dệt may..., xác định các giải pháp/công nghệ, xây dựng lộ trình, kế hoạch hành động và dự thảo các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng TKNL theo ngành. Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 200 doanh nghiệp, tư vấn để các doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình sản xuất, tiết kiệm điện năng. Hỗ trợ đầu tư thay thế, cải thiện hiệu suất đối với các thiết bị cũ, đưa ra thông số vận hành tối ưu nhất đối với dây chuyền sản xuất đối với các thiết bị mới.