Tiết kiệm điện

Tiết kiệm năng lượng: Trụ cột cho phát triển kinh tế bền vững

Thứ năm, 3/11/2022 | 15:12 GMT+7
Để phát triển bền vững theo hướng xanh, tăng trưởng xanh thì tiết kiệm năng lượng được xem là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
 
Năng lượng có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia.
 
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phương Hoàng Kim- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
 
PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong thời gian qua đối với công tác triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng?
 
TS. Phương Hoàng Kim: Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045 đã nêu rõ: “tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội”.
 
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai thực hiện từ rất sớm. Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 với nhiều hoạt động, giải pháp được tổ chức triển khai trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và trên phạm vi cả nước.
 
Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong các giai đoạn từ 2006-2010 và 2011-2015, cả nước đã tiết kiệm được tương ứng 3,4% và 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng trong từng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm được tổng cộng 16,1 triệu tấn dầu quy đổi.
 
Đây là một kết quả khả quan và rất có ý nghĩa về kinh tế, xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, ý thức tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Triển khai tổ chức thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn các nội dung của Luật.
 
Có thể nói, chúng ta đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và kiện toàn để thúc đẩy thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó, vai trò tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp luôn được coi là trọng tâm, thể hiện trên những mặt sau:
 
Bộ Công Thương xây dựng và tổng hợp danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành hàng năm. Gần đây nhất, ngày 09 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1881/QĐ-TTg ban hành danh sách 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020, với tổng năng lượng tiêu thụ 34,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), chiếm 51% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia.
 
Đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành 07 thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng bao gồm ngành hóa chất, ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát, sắt thép, ngành nhựa, ngành sản xuất giấy, ngành chế biến thủy hải sản và ngành sản xuất đường mía.
 
Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị về tăng cường tiết kiệm điện (bao gồm Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2011; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017; và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020).
 
Ngoài ra còn có các Quy định về mua sắm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng từ nguồn ngân sách nhà nước, quy định về dán nhãn năng lượng, hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng... đã được ban hành và tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện.
 
PV: Vậy đối với Chỉ thị 20 của TTg Chính phủ về tiết kiệm điện thì sau 2 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã đạt được kết quả như thế nào thưa ông?
 
TS. Phương Hoàng Kim: Ngày 7/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình Tiết kiệm điện). Chương trình nhằm đạt các mục tiêu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc.
 
Kể từ khi triển khai Chỉ thị số 20 của Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện hiệu quả hơn.
 
Ở cấp trung ương: Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị số 20. Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp như sau:
 
Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 5088/BCT-TKNL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 20. Trong năm 2020 và 2021, Bộ Công Thương đã hỗ trợ 15 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, trong đó có lồng ghép các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
 
Phối hợp với với Tập đoàn điện lực Việt Nam xây dựng phương pháp tính sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm hỗ trợ các tỉnh triển khai các giải pháp và tính toán sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn tỉnh.
 
Đặc biệt, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được chú trọng, với đa dạng hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, có chiều sâu nhằm nâng cao ý thức và thay đổi hành động của người dân, doanh nghiệp, cơ quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Công tác tuyên truyền đã được triển khai thực hiện đến tận người dân và các khách hàng sử dụng điện.
 
Bộ Công Thương đã kiểm tra 37 đơn vị bao gồm các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng.
 
Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành 03 hướng dẫn kỹ thuật về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 03 ngành: chế biến thủy sản, sành sứ và dệt nhuộm.
 
Ở cấp địa phương: Đã có 54 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20. Đặc biệt, 63/63 tỉnh, thành phố đã hưởng ứng tham gia Sự kiện Giờ trái đất năm 2020 và 2021.
 
PV: Trong bối cảnh giá và nguồn cung năng lượng trên thế giới có nhiều biến động, vậy tiết kiệm năng lượng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, thưa ông?
 
TS. Phương Hoàng Kim: Từ đầu năm 2022 đến nay, cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới đang diễn ra phức tạp và khó lường, giá dầu thô trên thế giới đã có lúc bị đẩy lên đến hơn 130 USD/thùng. Việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng trở nên khó khăn và cấp bách.
 
Chính vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
 
Trong thời gian sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các nội dung sau để nâng cao hiệu quả về tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu trong sản xuất công nghiệp, cụ thể như:
 
Truyền thông, tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững. Phối hợp với Hội nhà báo tổ chức Giải báo chí toàn quốc tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tổ chức các giải thưởng hiệu quả năng lượng; giải thưởng năng lượng bền vững, tổ chức các hội nghị, tọa đàm chia sẻ, thúc đẩy đầu tư, thực hiện những giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, chuyển giao công nghệ sạch trong công nghiệp…
 
Thực hiện các hoạt động hỗ trợ đầu tư, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi các cơ chế về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các cơ chế tài chính ưu đãi, để đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch, thay thế các dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại, hiệu quả sử dụng công nghệ cao hơn.​ Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất.
 
Thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và các cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại các doanh nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên ngành về các giải pháp quản lý công nghệ trong tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch để giúp cho doanh nghiệp công nghiệp có thể áp dụng các sáng kiến, giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp.
 
PV: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư về tài chính, khoa học công nghệ vào sản xuất hướng tới tiết kiệm năng lượng tuy nhiên mức độ tự chủ của doanh nghiệp còn thấp vậy theo ông chúng ta cần phải có giải pháp như thế nào?
Các doanh nghiệp dệt, may cũng đã đi tiên phong thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
 
TS. Phương Hoàng Kim: Trong thời gian qua, các chính sách khuyến khích về đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng còn thiếu và chưa khuyến khích được doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng hoặc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
 
Tuy nhiên, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thì doanh nghiệp cũng phải tự nhận thức được rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao được năng lực cạnh trạnh đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
 
Hiện nay, một trong những hạn chế về đầu tư tiết kiệm năng lượng trên quy mô rộng chính là cơ chế tài chính ưu đãi cũng như hành lý pháp lý, nguồn vốn dồi dào hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng.
 
Mặc dù nguồn lực của ngân sách nhà nước còn hạn chế nhưng trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã có một hợp phần về thí điểm xây dựng quỹ hỗ trợ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi kỳ vọng, trong những năm tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thí điểm vận hành quỹ này.
 
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ cế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi Luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Các giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh là cần thiết và phù hợp ở giai đoạn đầu.
 
Tuy nhiên, để thực sự có hiệu quả thì các biện pháp, chính sách bắt buộc các doanh nghiệp tuân thủ thực hiện trong quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng cũng cần phải được nghiên cứu, đẩy mạnh triển khai áp dụng trong thời gian tới.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Theo: Báo Công thương