Diễn đàn năng lượng

Tiết kiệm năng lượng vẫn nặng tính hình thức

Thứ ba, 29/11/2016 | 14:41 GMT+7
Dù có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ từ luật, nghị định, thông tư nhưng tiết kiệm năng lượng vẫn còn mang tính hình thức vì chưa có chế tài đủ mạnh và việc thực thi thiếu hiệu quả.

Nếu doanh nghiệp không có lợi ích rõ rệt trong việc tiết kiệm năng lượng, thì việc tự giác thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ rất mờ nhạt.
 
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010. Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29-3-2011 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong vòng hai năm tiếp theo, có hơn 20 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 21 được ban hành.
 
Nhưng theo các đơn vị tư vấn trong nước và nước ngoài, việc sử dụng năng lượng chưa hiệu quả do còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 21. Bộ Công Thương quyết định rà soát lại việc thực hiện Nghị định 21 và đưa ra các kiến nghị với Chính phủ để chỉnh sửa và bổ sung nghị định này với sự trợ giúp của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) qua dự án 4E “Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng”. 
 
Các nội dung sửa đổi liên quan đến mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, quy định về sử dụng năng lượng trong các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, áp dụng các biện pháp công nghệ, ưu đãi đầu tư, trách nhiệm của các bộ… Hiện vẫn chưa một cơ sở dữ liệu lớn tầm cỡ quốc gia về tiêu thụ năng lượng để làm cơ sở ra các quyết sách lớn về năng lượng.
 
Một trong những hoạt động bản lề của việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là kiểm toán năng lượng đang được triển khai thiếu bài bản. Kiểm toán năng lượng là hoạt động khảo sát, thu thập và phân tích dữ liệu tiêu thụ năng lượng của đơn vị (tòa nhà, nhà máy…), từ đó tìm ra các cơ hội tiết kiệm năng lượng, xây dựng chương trình sử dụng năng lượng của đơn vị sao cho hiệu quả hơn.
 
Hoạt động kiểm toán này được thực hiện bởi các trung tâm tiết kiệm năng lượng (ECC) ở các tỉnh, thành phố và các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (ESP). Đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
 
Tại hội thảo tham vấn "Rà soát và đánh giá các quy trình kiểm toán năng lượng cũng như các văn bản pháp luật liên quan” được tổ chức tại TPHCM ngày 25-11, nhiều ý kiến cho rằng các kiểm toán viên trình độ chưa cao, danh sách kiểm toán viên được công nhận không được công khai, cạnh tranh giữa các ECC nhà nước và ESP tư nhân để có các hợp đồng kiểm toán không minh bạch.
 
Đại diện công ty tư vấn nước ngoài Artelia cho rằng nhiều ESP tư nhân vừa có dịch vụ kiểm toán năng lượng lại vừa là nhà cung cấp thiết bị hệ thống nên khi kiểm toán năng lượng,họ thường đề xuất các phương án thay đổi thiết bị và đây là một điều gây mất lòng tin cho khách hàng.
 
Đại diện một ESP nêu thực trạng một số ECC nhà nước thực hiện kiểm toán năng lượng ở một số nơi cho có, không quan tâm đến chất lượng kiểm toán, chỉ chạy theo số lượng, nhằm mục đích được giải ngân từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho các chương trình tiết kiệm năng lượng. Vị này cho biết có đơn vị chỉ có 10 người mà một năm làm cả trăm bản kiểm toán năng lượng, không ít bản kiểm toán trong số đó là sao chép lẫn nhau.
 
Đại diện từ Sở Công Thương Bình Phước gay gắt hơn khi cho rằng phải kiểm tra toàn bộ trình độ các kiểm toán viên, những người có bằng mới được phép hoạt động. Còn về phía các doanh nghiệp sử dụng năng lượng, những doanh nghiệp làm tốt phải cấp chứng chỉ tiết kiệm năng lượng cho họ, phải phân loại doanh nghiệp rõ ràng để người tiêu dùng và các đối tác làm ăn biết đến. “Và đặc biệt là phải có chế tài mạnh. Bây giờ mà mất rừng thì các Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm, còn thất thoát năng lượng thì Bộ, Sở Công Thương chưa phải chịu trách nhiệm gì”, vị này nói.
 
Trong một bài viết gần đây "Muốn xanh, phải xanh từ chất xám", TBKTSG Online có nêu tình trạng rằng hầu như các chủ đầu tư và giới kiến trúc sư không quan tâm nhiều đến việc áp dụng mô hình năng lượng công trình khi thiết kế và xây dựng các tòa nhà văn phòng.
 
Qua một lần trao đổi, ông Tommy Leong, Chủ tịch Schneider Electric khu vực Đông Á, phụ trách các hoạt động của tập đoàn tại các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Mông Cổ và Đài Loan cho biết, với hiện trạng sử dụng điện hiện nay ở Việt Nam, các giải pháp về phần cứng và phần mềm có thể giúp các nhà máy sử dụng điện hiệu quả hơn 60% và các cao ốc sử dụng điện hiệu quả hơn 80% nữa.
Theo: Thời báo KT Sài Gòn