Tài chính - Ngân hàng

Tín dụng Nhà nước góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Thứ sáu, 20/5/2016 | 10:48 GMT+7
Được thành lập vào ngày 19-5-2006, trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển, đến nay, trải qua 10 năm hoạt động Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã có đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới cơ chế tài chính tín dụng và tái cơ cấu nền kinh tế.
 
Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 thi công bảo trì đường dây. 
  |  
"Nguồn vốn mồi" phát triển kinh tế
 
Với vai trò là công cụ của Chính phủ trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, VDB có chức năng huy động, tiếp nhận và quản lý một số nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK) của Nhà nước. Đồng hành cùng đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, nguồn tín dụng của Nhà nước đã chảy sâu vào các lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế. Trong đó, việc bố trí nguồn vốn kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển điện năng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia luôn được VDB quan tâm và chú trọng.
 
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện 6) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18-7-2007; tiếp đến, ngày 21-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7). Theo đó, mục tiêu chính hướng tới là phát triển các dự án điện; sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội...
 
Với mục tiêu này, cùng với ngành điện, trong những năm qua dù bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn tác động không nhỏ đến khả năng huy động vốn, nhưng VDB vẫn luôn cố gắng đáp ứng đủ vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, đặc biệt các dự án thuộc Quy hoạch điện nêu trên. Nguồn vốn tín dụng của Nhà nước giúp đẩy nhanh tiến độ cho các dự án nguồn điện và đường dây tải điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng của đất nước giai đoạn 2006 - 2016. Đây cũng được coi như “nguồn vốn mồi” quan trọng góp phần huy động các nguồn vốn xã hội khác tham gia đầu tư các chương trình trọng điểm quan trọng của Chính phủ.
 
Đến nay, số dự án ngành điện vay vốn tại VDB là 395 với tổng số vốn vay theo HĐTD hơn 200 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển trong nước và ODA cho vay lại. Trong đó, có 50 dự án nhóm A, chiếm khoảng 70% số vốn vay. Các dự án hoàn thành đã góp phần tăng công suất phát điện của cả nước mỗi năm hàng nghìn MW, xây dựng nhiều đường dây 500 kV, 220 kV và 110 kV; hàng trăm trạm biến áp công suất các loại được đưa vào sử dụng đồng bộ với các dự án nguồn và lưới điện. Trong tổng số các dự án vay vốn tại VDB, các dự án thuộc EVN chiếm tỷ trọng lớn (hầu hết là các dự án lưới điện và nhiều dự án nguồn điện có công suất lớn) với 78 dự án. Tổng mức đầu tư các dự án này là 198.805 tỷ đồng (chiếm 72% TMĐT các dự án ngành điện). Đồng thời VDB đã chú trọng đầu tư cho các dự án do chủ đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước nhằm khai thác các nguồn vốn xã hội.
 
Có thể kể đến các dự án tiêu biểu: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Huội Quảng, Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Tuyên Quang… và nhiều dự án xây dựng, lắp đặt đường dây tải điện như Dự án đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn vay VDB để thanh toán chi phí đền bù, di dân tái định cư; dự án Đường dây tải điện 500 kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm; Đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn; Trạm biến áp 220/110 kV và Đường dây 220 kV Nhà Bè - Tao Đàn; Trạm biến áp 500 kV Cầu Bông và đấu nối đường dây; Đường dây 500KV Phú Mỹ - Sông Mây; Đường dây 500KV Sông Mây - Tân Định… với vốn vay hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, với 4.000 tỷ đồng vốn tín dụng Nhà nước và 400 triệu USD, VDB đã dành hỗ trợ đầu tư cho dự án Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông - Nam Á. Ngoài công trình nhà máy thủy điện, VDB còn cho EVN vay bổ sung hơn 3.500 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư.
 
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, VDB hiện đang thực hiện cho vay một số dự án trọng điểm như Thủy điện Lai Châu với số vốn vay 4.600 tỷ đồng, dự án Nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân (công suất 1.200 MW) vốn vay 5.000 tỷ đồng… Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch, VDB lần đầu tiên cho vay đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Nhà máy điện gió lớn nhất khu vực Đông - Nam Á. Giai đoạn I và II của Dự án có tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng với 62 trụ tua-bin có tổng công suất 99,2MW. Trong thời gian tới, các giai đoạn tiếp theo của Dự án sẽ được triển khai tại thềm lục địa Bạc Liêu và Cà Mau, tạo ra một nguồn năng lượng sạch to lớn, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế tại địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
 
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri: Hiện, dư nợ của EVN khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay thông qua VDB chiếm tỷ lệ gần một phần ba gồm vốn ODA và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước... Qua quá trình đầu tư, EVN đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực tương đối quy mô bề thế. Năm 2015, EVN đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt với sản lượng 159,4 tỷ kW giờ, tăng 11,23% so với năm 2014 và bảo đảm an toàn hệ thống và huy động hợp lý các nguồn điện. Tổng kết chung cả giai đoạn 2011-2015, EVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho đất nước. Hệ thống điện của Việt Nam bảo đảm cung cấp điện sử dụng cho 100% số huyện, hơn 99% số xã và hơn 98% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều nước trong khu vực.
 
Không chỉ tập trung vốn đầu tư phát triển nguồn năng lượng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, nguồn vốn tín dụng Nhà nước cũng đã dành hỗ trợ cho các dự án thủy điện đầu tư tại nước ngoài như Dự án Thủy điện Xekaman 3 có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng, vốn vay từ VDB là 1.147 tỷ đồng và Thủy điện Xekaman 1 có tổng mức đầu tư 7.137 tỷ đồng, vốn vay từ VDB là 1.841 tỷ đồng, cả hai dự án này đều do Công ty Cổ phần Điện Việt Lào đầu tư tại Lào. Tháng 6-2013 Dự án Thủy điện Xekaman 3 đã hòa vào lưới điện Quốc gia Việt Nam đồng thời cung cấp cho nước bạn Lào một nguồn điện đáng kể. Dự án Xekaman 1 đến cuối tháng 3-2016 đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị, chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 5-2016. Đây là các dự án khởi đầu và khẳng định sự hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
 
Góp phần bảo đảm an toàn điện năng Quốc gia
 
Năng lượng được đánh giá là một ngành sản xuất công nghiệp quan trọng, làm tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc tập trung chỉ đạo, đầu tư cho phát triển năng lượng - trong đó có ngành điện - luôn được Đảng và Nhà nước ta ưu tiên chú trọng. Vì vậy, trong nhiều năm qua vốn TDĐT của Nhà nước luôn được dành tỷ trọng lớn, ưu tiên cho đầu tư phát triển các dự án thuộc lĩnh vực điện này.
 
Giai đoạn 2006 - 2010, theo chỉ đạo của Chính phủ, VDB chú trọng đáp ứng vốn cho các dự án nguồn điện và đường dây tải điện cần đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng của đất nước. Từ năm 2008 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc huy động vốn gặp nhiều trở ngại, lãi suất cao, nguồn vốn cho các dự án đầu tư còn hạn chế, nhưng VDB đã cùng các chủ đầu tư nỗ lực bảo đảm triển khai một số dự án có nhu cầu cấp bách theo tiến độ. Đặc biệt, VDB đã chú trọng đáp ứng vốn cho các dự án nhóm A, chương trình trọng điểm Nhà nước mà chủ yếu là tập trung lớn nhất vào các dự án nguồn điện và đường dây tải điện cần đẩy nhanh tiến độ.
 
Nhờ nguồn vốn tín dụng Nhà nước và nguồn vốn nước ngoài cho vay lại, thông qua VDB, nhiều dự án điện đã hoàn thành, phát huy hiệu quả như: Dự án thủy điện Sơn La với sáu tổ máy, tổng công suất 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hằng năm hơn 10 tỷ kW; Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) tổng công suất 180 MW, sản lượng điện bình quân hơn 700 triệu kW; Thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) tổng công suất 170 MW cho sản lượng điện trung bình hằng năm hơn 680 triệu kW; Dự án Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu cũng đã hoàn thành vào đầu năm 2016, đóng góp cho sản lượng điện của cả nước thêm 320 triệu kW/năm...
 
Các dự án nguồn điện hoàn thành góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu điện trên cả nước. Đối với các dự án đường dây điện và trạm biến áp được VDB đầu tư đã đưa vào sử dụng, góp phần phát huy hiệu quả đồng bộ cho các dự án nguồn điện vận hành mới, đồng thời, góp phần quan trọng truyền tải điện cho các tỉnh, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
 
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, các dự án đầu tư ngành điện còn mang lại ý nghĩa an sinh xã hội. Bởi hầu hết những dự án nguồn điện (trừ dự án nhiệt điện) đều được triển khai tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Do vậy, việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện tại các địa bàn này để đấu nối vào hệ thống lưới điện Quốc gia có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kinh tế - xã hội địa phương, phát triển các ngành công nghiệp, giao thông, mở rộng giao thương, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Kết hợp với việc khai thác nguồn năng lượng từ tự nhiên (thủy năng và phong năng…) các dự án nguồn điện còn góp phần thúc đẩy các hoạt động khai thác lợi ích tổng hợp khác như nuôi trồng thủy sản lòng hồ, phát triển du lịch sinh thái, tham gia cải thiện môi trường khí hậu tiểu vùng...
 
Như vậy có thể thấy, với nhiệm vụ tiếp nhận và huy động các nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ xuất khẩu theo chính sách của Nhà nước cho một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các vùng khuyến khích và chương trình kinh tế lớn của đất nước, trong giai đoạn 2006 - 2016, nguồn vốn tín dụng Nhà nước đã và đang phát huy vai trò quan trọng góp phần tích cực bảo đảm cho phát triển lĩnh vực năng lượng quốc gia.
 
Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong Quy hoạch điện 6 và Quy hoạch điện 7, trong thời gian tới, VDB sẽ tiếp tục dành phần vốn đáng kể để đầu tư cho các dự án nguồn điện và lưới điện và cho các dự án điện theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, thực hiện chiến lược hoạt động của VDB đến năm 2020, VDB sẽ chú trọng đầu tư vốn cho phát triển các năng lượng điện gió, điện hạt nhân góp phần thực hiện giải pháp đưa năng lượng mới, năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quan trọng trong cân bằng năng lượng tổng thể Quốc gia.
 
Từ định hướng như vậy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống VDB, tin tưởng rằng với số vốn tín dụng Nhà nước cùng các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành... đặc biệt cùng với các nguồn vốn của toàn xã hội, các mục tiêu Chính phủ đặt ra sẽ hoàn toàn khả thi, giảm đáng kể áp lực về cung ứng điện, bảo đảm cân đối cung cầu cho đất nước, cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo: Nhân dân