Thông tin đầu tư

Tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư của tỉnh Sóc Trăng

Thứ ba, 16/2/2021 | 12:09 GMT+7
Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, đầu tư vào Sóc Trăng vẫn đạt được kết quả tích cực. 

Ảnh minh họa.
 
Nhân dịp đầu xuân mới, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu để làm rõ hơn nỗ lực cũng như giải pháp của địa phương trong bối cảnh áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
 
PV: Xin ông cho biết đâu là những lợi thế của Sóc Trăng hiện nay và tỉnh đang phát huy những lợi thế này như thế nào?
 
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu: Nằm trong Vùng ĐBSCL, trước hết phải nói đến lợi thế về vị trí địa lý. Sóc Trăng là tỉnh giáp biển, chiều dài bờ biển đứng thứ 3 trong Vùng, chỉ sau Cà Mau và Kiên Giang, nằm trên trục Quốc lộ 1, gần trung tâm Vùng, đó là TP. Cần Thơ.
 
Đặc biệt, Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió. Sở hữu 72 km bờ biển, cùng với thời tiết ôn hòa, sức gió bình quân hơn 6m/giây, Sóc Trăng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng gió khá lý tưởng. Chính vì vậy, cùng với nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, năng lượng tái tạo là một trong ba lĩnh vực mà tỉnh Sóc Trăng xác định cần ưu tiên thu hút đầu tư.
 
Phát huy những lợi thế này, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Tính đến nay, toàn tỉnh có 14 dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất hơn 695 MW, trong đó có 7 dự án đã khởi công và dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2021.
 
Đặc biệt, với lợi thế là địa phương có khoảng cách gần nhất với Côn Đảo, vừa qua, Tỉnh đã kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động tuyến tàu cao tốc từ Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo từ năm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
 
PV: Ông có thể nói rõ hơn về kết quả thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua?
 
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu: Nói về thành tựu trong nhiệm kỳ 2015-2020, không thể không kể đến những kết quả nổi bật về thu hút đầu tư. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh trong giai đoạn hiện nay đang ngày càng chuyên nghiệp, có chọn lọc trong kêu gọi đầu tư nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.
 
Trong 5 năm, Sóc Trăng đã làm việc với khoảng 900 lượt nhà đầu tư, trong đó có hơn 100 nhà đầu tư nước ngoài. Có 116 dự án được cấp chủ trương đầu tư, tăng 55 dự án; tổng vốn đăng ký 27.282 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với giai đoạn 2010-2015.
 
Trong 9 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 3.312 tỷ đồng, nhiều dự án được triển khai, đi vào hoạt động ổn định. Một số dự án đang triển khai.
 
Đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 3.220 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 39.000 tỷ đồng.
 
PV: Nhiều tỉnh trong khu vực cũng đã nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế biển. Có lợi thế giáp biển, vậy Sóc Trăng đang làm gì để khai thác tối đa lợi thế này?
 
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu: Nằm ở cuối nguồn sông Hậu và tiếp giáp Biển Đông, ngoài những đặc điểm tương đồng với các địa phương khác trong vùng, Sóc Trăng còn có những lợi thế khác biệt, như tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng sạch, cảng biển, logistics, du lịch biển…
 
Hiện Sóc Trăng đang tập trung đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, với mục tiêu khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển theo quy định của pháp luật. Hiện Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, Sóc Trăng đang chuyển đổi các mô hình nuôi nhỏ lẻ, sang nuôi công nghiệp quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ, kiên quyết chấm dứt tình trạng đánh bắt tận diệt thủy sản; phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển, trong đó chú trọng đầu tư khu công nghiệp Trần Đề.
 
Song song với đó, Sóc Trăng cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch cho các địa phương trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch tại các huyện, thị như Cù Lao Dung, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu; khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề - Côn Đảo.
 
Và cùng với phát triển năng lượng tái tạo, phát triển rừng và du lịch khu vực cửa sông, ven biển, Sóc Trăng sẽ khảo sát, đánh giá tiềm năng khoáng sản biển, nhất là khoáng sản cát. Ngoài ra, Tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chuyển giao công nghệ lĩnh vực khoáng sản; thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, hải đảo thuộc thẩm quyền.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo: VGP News