Tình trạng thiếu chuyên gia sẽ cản trở sự phát triển điện hạt nhân

Thứ tư, 23/5/2012 | 08:58 GMT+7
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, để kịp khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào năm 2014, Việt Nam “cần có những chuyên gia giỏi và bảo đảm an toàn hạt nhân, nếu không tiến độ đề ra có thể bị dời lại một hai năm”.

Theo dự kiến, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào tháng 12 năm 2014 tại tỉnh Ninh Thuận với đối tác là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nhà nước của Nga (Rosatom). Tổ máy số 1 của nhà máy này dự trù sẽ chính thức vận hành vào năm 2020, tổ máy số 2 vào năm 2021. Chính phủ Việt Nam cũng đang đàm phán với Nhật Bản về dự án Ninh Thuận 2, dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 5 năm 2015, với tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vận hành từ năm 2021. Tổng cộng, dự tính xây dựng đến 8 nhà máy hạt nhân từ đây đến năm 2030.

Khác với những ngành công nghệ khác, công nghệ hạt nhân đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia không chỉ có trình độ cao, mà còn phải có tinh thần kỷ luật cao nhất, và ý thức trách nhiệm cao nhất, bởi vì những sự cố, tai nạn nhà máy điện hạt nhân không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia, còn cả ảnh hưởng cả khu vực, nếu không muốn nói là cả nhân loại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình bày Đề án “đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Đề án này dự trù đến năm 2020 các cơ sở đào tạo trong nước phối hợp với các đối tác bên ngoài sẽ đào tạo khoảng 2400 kỹ sư và cử nhân, 350 Thạc sĩ và Tiến sĩ nhằm đáp ứng tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Nhưng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhìn nhận là việc đào tạo nhân sự trong ngành điện nguyên tử hiện còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết cán bộ hiện nay được đào tạo ở các nước XHCN trước đây, cho nên kiến thức mới về kỹ thuật hạt nhân còn hạn chế. Một số cán bộ trẻ có năng lực trình độ cao còn đang trong quá trình đào tạo.

Chính phủ mới đây có phê duyệt chương trình đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân với kinh phí 2.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa có chính sách đãi ngộ cho những người đi học và những người sau này làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân. Bên cạnh đó, việc tìm cán bộ trẻ đi đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân cũng gặp khó khăn, vì ít người theo học ngành hạt nhân, cho nên phải huy động cán bộ từ nhiều lĩnh vực khác để đào tạo lại từ đầu.
 
ST