Tin trong nước

Tọa đàm, đối thoại với người lao động góp phần đẩy mạnh văn hóa an toàn lao động tại PC Hà Tĩnh

Thứ tư, 6/4/2022 | 16:03 GMT+7
Công ty Điện lực Hà Tĩnh (PC Hà Tĩnh) đã tổ chức Hội nghị tọa đàm, đối thoại giữa lãnh đạo Công ty với người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). 

 
Tại buổi tọa đàm, đối thoại, ông Bùi Quang Nhiệm, Trưởng phòng An toàn Công ty đã thông qua báo cáo việc thực hiện các chế độ chính sách của Công ty đối với người lao động trong công tác ATVSLĐ, qua đó đánh giá một số tồn tại và đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. 
 
Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, công tác tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CBCNV được Công ty thực hiện kịp thời, đúng quy định; công tác quan trắc môi trường lao động, đo kiểm các yếu tố vi khí hậu, độ ồn, nhiệt độ, từ trường, hơi khí độc... được Công ty thực hiện thường xuyên; các chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho những đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được Công ty thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. 
 
Bên cạnh đó, công tác lập và triển khai thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động, mua sắm, trang cấp, đưa vào sử dụng các chủng loại thiết bị, biển báo, dụng cụ an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân cho các đơn vị được đảm bảo về cả số lượng, chất lượng, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các công cụ, dụng cụ, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt được Công ty cập nhật, theo dõi trên phần mềm ECP và được kiểm tra, kiểm định theo đúng quy định.
 
Trong quý I/2022 Công ty đã tổ chức huấn luyện, kiểm tra an toàn điện định kỳ cho gần 500 thợ điện hợp đồng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh điện; huấn luyện trực tuyến quy trình an toàn điện và sát hạch cho các CBCNV tại các đơn vị cơ sở; ban hành kế hoạch quản lý rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp năm 2022; nghiêm túc thực hiện các chế độ chính sách của nhà nước cho người lao động từ việc trang cấp các trang thiết bị, dụng cụ, quần áo, giày, dép, găng tay, mũ bảo hộ lao động đến việc thăm khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp, bồi dưỡng bằng hiện vật cho các đối tượng làm việc công việc nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại; tổ chức huấn luyện, trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu, kiến thức về công tác ATVSLĐ cho người lao động...
 
Để có được kết quả trên, Công ty đã tăng cường quản lý công tác lập lịch làm việc trên lưới điện bằng nhiều biện pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp các cá nhân, bộ phận thực hiện nhiệm vụ luôn trong tâm thế chủ động, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu suất làm việc.
 
Tại buổi tọa đàm, Công ty đã giải đáp 11 ý kiến, đề xuất của các đơn vị trực thuộc về các vấn đề liên quan đến quy trình an toàn điện; các chế độ phiếu công tác, lệnh công tác; vận hành phần mềm quản lý an toàn ECP; công tác quản lý rủi ro, nhận diện, đánh giá các mối nguy hiểm; công tác liên quan đến hệ số phụ cấp trách nhiệm… Qua đó, giúp người lao động trong Công ty hiểu và nắm rõ hơn về các quy chế, quy trình, quy định, giúp người lao động yên tâm hơn trong lao động sản xuất, tạo tâm lý tích cực, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động, hướng đến mục tiêu "đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động" trong thực hiện công việc được giao.
 
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của người lao động, phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Phúc Phong - Giám đốc Công ty đã chỉ đạo các phòng chức năng và bộ phận liên quan tiếp tục nghiên cứu và tập trung tháo gỡ, đảm bảo giải quyết đầy đủ, dứt điểm những đề xuất, vướng mắc của người lao động; hướng dẫn cụ thể, kịp thời các quy định, chỉ đạo mới của Tổng công ty và Công ty phù hợp với mô hình và tình hình lao động sản xuất của từng đơn vị. 
 
Qua buổi tọa đàm, đối thoại, Giám đốc Công ty cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh những tồn tại hiện hữu, đặc biệt là trong công tác bảo hộ lao động và an toàn lao động; nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, thực hiện tốt phương châm nói “không” với tai nạn lao động. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn lao động song hành với thực thi văn hóa doanh nghiệp; rà soát lại các trang thiết bị bảo hộ lao động, tiếp tục có kế hoạch mua sắm, trang bị bổ sung đảm bảo điều kiện tốt nhất để người lao động an tâm công tác.
Phương Thảo