Tối ưu hoá năng lượng và công nghệ tại các nhà máy chế biến dầu khí

Thứ hai, 8/3/2021 | 11:04 GMT+7
Tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả, hợp lý tài nguyên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng khí… là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Tập trung tối ưu hóa vận hành sản xuất và tiết kiệm năng lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến dầu khí.

Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương).

PV: Việc thực hiện chương trình tối ưu, tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy chế biến dầu khí đang được triển khai đến đâu thưa bà? Dước góc cơ quan quản lý Nhà nước bà có thể chia sẻ về nội dung này?

Bà Ngô Thúy Quỳnh: Hiện nay, các nhà máy chế biến dầu khí tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan như: sự biến động của giá dầu thế giới, hoạt động sản xuất chưa tối ưu và hiệu quả tiết kiệm năng lượng chưa cao do đã được đầu tư xây dựng và vận hành trong thời gian dài. Do vậy, việc tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng đối với các nhà máy chế biến dầu khí này là rất cần thiết và sẽ góp phần không nhỏ tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy. Trong thời gian qua, các đơn vị chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã liên tục cải tiến, tối ưu để giảm tiêu hao năng lượng.
 
Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo các đơn vị sản xuất đẩy mạnh hoạt động tối ưu, tiết kiệm năng lượng và Bộ cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích các đơn vị sản xuất trong việc tối ưu, tiết kiệm năng lượng, tiêu biểu là Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP); Chương trình đã triển khai qua hai giai đoạn và đang triển khai giai đoạn 3 năm 2019-2030, theo đó đặt mục tiêu mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc giai đoạn 2019-2025 và 8-10% giai đoạn 2019-2030.
 
Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã tổ chức trao Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020. Tại lễ trao giải, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng nhận được giải thưởng về sản phẩm hiệu suất năng lượng với giải pháp “Loại bỏ tạp chất của phân xưởng RFCC” với giá trị tiết kiệm khoảng 130 tỷ đồng.
 
Ngoài ra Bộ cũng khuyến khích hoạt động tối ưu, tiết kiệm năng lượng qua các đề tài nghiên cứu khoa học và các chương trình, giải thưởng khác như giải thưởng năng lượng bền vững, giải thưởng thương hiệu quốc gia …
 
PV: Áp lực cạnh tranh rất khốc liệt, các nhà máy trong khu vực đã hết khấu hao từ lâu, quản trị tốt hơn, nay do chính sách mở cửa, phá bỏ hàng rào thuế khiến nhiều sản phẩm dầu mỏ đã tràn vào Việt Nam dẫn đến áp lực cạnh tranh rất lớn, đồng thời làm cho nguồn cung dồi dào, có nhiều thời điểm dư cung lớn. Bà nhìn nhận vấn đề này ra sao đối với các nhà máy chế biến dầu khí tại Việt Nam?
 
Bà Ngô Thúy Quỳnh: Việc mở cửa hội nhập kinh tế thế giới và khu vực là xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Theo các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã cam kết lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu như xăng, dầu diesel. Việc thực hiện lộ trình đã khiến các sản phẩm dầu mỏ sản xuất trong nước phải chịu nhiều áp lực về giá cả, chất lượng.
 
Vì vậy, đối với các nhà máy chế biến dầu khí tại Việt Nam cần phải nghiên cứu, đẩy nhanh việc nâng cấp, cải tiến, nâng cao năng suất, giảm thiểu tối đa chi phí quản lý, vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng các lợi thế về thị trường để có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
 
Hơn nữa, việc nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, chủng loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường cũng là hoạt động cấp thiết đối với các nhà máy chế biến dầu khí tại Việt Nam hiện nay.
 
Ngô Thúy Quỳnh- Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương)
Bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương cũng luôn theo dõi sát sao tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời như trong thời gian dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Bộ kịp thời có các văn bản đề nghị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ưu tiên mua sản phẩm sản xuất trong nước; đồng thời Bộ đã đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp chế biến dầu khí trong nước.
 
PV: Hiện công tác tối ưu hóa vận hành sản xuất và tiết kiệm năng lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến dầu khí. Bà có thể đưa ra những điểm mấu chốt đối với việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các nhà máy chế biến dầu khí trong thời gian tới?
 
Bà Ngô Thúy Quỳnh: Tập trung tối ưu hóa vận hành sản xuất và tiết kiệm năng lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến dầu khí.
 
Để thực hiện giải pháp này, các nhà máy chế biến dầu khí tại Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp hữu hiệu để sử dụng năng lượng hiệu quả như: Tăng cường việc nghiên cứu, triển khai các hoạt động tối ưu, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, vận hành nhà máy; thực hiện các biện pháp cải tổ bộ máy theo hướng quản trị tiên tiến. Đồng thời, cần có các giải pháp căn cơ để nâng cao năng lực cạnh tranh như nghiên cứu, triển khai giải pháp đa dạng hóa nguồn nguyên liệu; nâng cấp, cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án (như tích hợp lọc dầu với hóa dầu để có thể chế biến sâu, tăng cao hiệu quả của chuỗi giá trị chế biến dầu khí; nghiên cứu, theo dõi biến động thị trường thế giới để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng lộ trình về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, sạch hơn theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với các cam kết, xu hướng của thế giới.
 
PV: Thưa bà, Bộ Công Thương có chính sách, giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các nhà máy chế biến dầu khí trong thời gian tới?
 
Bà Ngô Thúy Quỳnh: Trên cơ sở các điều kiện về phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng (về hệ thống năng lượng, đất đai, cảng biển,…) và dự báo nhu cầu về năng lượng của các vùng miền tại Việt Nam, Chính phủ có thể xem xét quy hoạch các trung tâm năng lượng để có thể chia sẻ hạ tầng và hệ thống thiết bị dùng chung; tận dụng năng lượng dư thừa, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
 
Tuy nhiên, việc hình thành các khu công nghiệp năng lượng tập trung hay áp dụng mô hình tích hợp tối ưu hóa chi phí cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về các điều kiện nêu trên cũng như phù hợp với định hướng phát triển chiến lược năng lượng của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020, các chiến lược, quy hoạch của các ngành năng lượng và các ngành, lĩnh vực có liên quan.
 
Trên cơ sở đó, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW và đầu tư xây dựng các trung tâm năng lượng, các chính sách, cơ chế cần được nghiên cứu đề xuất để đảm bảo thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng nói chung và chế biến dầu khí nói riêng.
 
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các giải pháp để thúc đẩy hoạt động của cả ngành năng lượng bao gồm việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các nhà máy chế biến dầu khí trong thời gian tới.
 
PV: Xin trân trọng cám ơn bà!

Link gốc
Theo: Báo Công Thương