Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT): Tự hào gắn với trách nhiệm cao

Thứ ba, 26/6/2018 | 15:46 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa Hệ thống truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (theo Quyết định số 1944/QĐ-TTg).

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo đó, Thủ tướng giao “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ công thương, Bộ tài chính, Bộ quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh có hệ thống truyền tải điện 500kV đi qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan lập kế hoạch, xây dựng phương án bảo vệ, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của phát luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”. Trên thực tế, ngay từ những năm 1994, sau khi hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam được đưa vào vận hành, Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác bảo vệ an toàn cho công trình bằng việc ban hành Chỉ thị (số 110/TTg ngày 23/4/1994) về việc bảo vệ an toàn hệ thống tải điện 500 kV Bắc - Nam để chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan và Chính quyền các cấp tại địa phương cùng tham gia công tác bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV. Qua trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đưa Hệ thống truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia càng cho thấy trách nhiệm của NPT trong công tác quản lý, vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện của đất nước.
 
PV: Thưa ông, là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia, ông nhìn nhận như thế nào về quyết định đưa hệ thống đường dây 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia?
 
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1944/QĐ-TTg v/v đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nhằm mục địch tăng cường vai trò của nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ các công trình an ninh quốc gia. Trước đó, năm 1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 110/TTg về công tác bảo vệ  an toàn hệ thống tải điện 500 kV Bắc – Nam. Trên cơ sở đó Tổng Cục I, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và sau này là Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã ký kết với Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) các Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện. Qua hơn 20 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện, đặc biệt trong công tác phối hợp bảo vệ Hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Tổng cục An ninh cùng lực lượng công an các cấp đã có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng trong việc đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện truyền tải Quốc gia. 
 
Tuy nhiên, trước tình hình an ninh chính trị trong khu vực và trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động “diễn biến hòa bình” vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn,… việc Thủ tướng ban hành quyết định đưa hệ thống điện 500 kV vào danh mục công trình an ninh quốc gia với yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác bảo vệ hệ thống điện 500 kV, với EVNNPT, sự kiện này đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với tầm quan trọng của hệ thống điện 500 kV nói riêng và hệ thống truyền tải điện Quốc gia nói chung trong vai trò huyết mạch để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước.
 
PV: Thưa ông, Quyết định này tạo thuận lợi như thế nào cho EVNNPT trong công tác quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia?
 
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Hiện EVNNPT đang quản lý vận hành hệ thống điện 500kV bao gồm hơn gồm 7.503 km ĐZ 500 kV và 28 TBA 500kV (cùng với 16.920 km ĐZ 220 kV và 114 TBA 220 kV) với tổng dung lượng MBA là 82.438 MVA. Hệ thống Truyền tải điện Quốc gia đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Để vận hành được hệ thống này đòi hỏi toàn bộ cán bộ công nhân viên EVNNPT phải phối hợp chặt chẽ với cả chính quyền địa phương cũng như nhân dân và các địa phương suốt dọc tuyến đường dây đi qua. 
 
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ thống điện 500 kV vào danh mục công trình an ninh quốc gia đã làm thay đổi nhận thức của toàn bộ cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty cũng như chính quyền địa phương và nhân dân dọc hệ thống 500kV này. Đã thúc đẩy công tác tuyên truyền, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, giúp cho công tác quản lý, vận hành của Tổng công ty thuận lợi hơn cũng như việc phối hợp toàn diện hơn, đi sâu hơn đối với chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, ban ngành khác. Quyết định này cũng giúp tăng cường việc đảm bảo cung cấp điện tin cậy của toàn bộ hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để EVNNPT phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực, chủ động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, EVN và các địa phương, hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước.
               
PV: Thưa ông, bản thân lưới điện 500kV nói riêng, các công tình truyền tải điện nói chung trong suốt thời gian qua đã khẳng định là công trình quan trọng đảm bảo điện cho miền Nam cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Quyết định này đồng nghĩa với trách nhiệm của NPT ngày càng cao hơn, nặng nề hơn trong thời gian tới. Là đơn vị quản lý vận hành hệ thống TTĐ quốc gia, NPT làm gì để đảm bảo yêu cầu này?
 
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Sau khi đường dây 500 kV mạch 1 Bắc – Nam đi vào vận hành cho đến nay, cùng với nhiều công trình truyền tải điện khác, EVNNPT và các đơn vị trực thuộc đã đóng góp rất lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện trên cả nước và đặc biệc là điều hòa công suất giữa hai miền Nam – Bắc. Trong cả hệ thống có nhiều đường dây truyền tải điện liên kết với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, sắp đến kết nối đường dây 500 kV với Lào – Thái Lan. Nhiều đường dây và trạm biến áp nằm khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vì vậy EVNNPT đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hệ thống để vận hành cung cấp điện liên tục. Quyết định của Thủ tường Chính phủ thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của hệ thống điện 500 kV nói riêng và hệ thống truyền tải điện Quốc gia nói chung không chỉ đối là đảm bảo an ninh năng lượng mà còn là vấn đề đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước.
 
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo sự phát triển nhanh, hiệu quả bền vững”. EVNNPT được Đảng, Nhà nước và EVN giao nhiệm vụ quản lý, xây dựng phát triển hệ thống điện để đảm bảo các mục tiêu, chiến lược của đảng và nhà nước.  EVNNPT đã ý thức sâu sắc về tầm quan trọng cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của mình, chủ động và tích cực tiến hành nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện, tạo nên một đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, có trình độ khoa học, công nghệ cao, kinh nghiệm chuyên môn và tay nghề giỏi, các viên chức ở khối tham mưu làm việc chuyên nghiệp, đảm đương tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Một số mục tiêu, giải pháp EVNNPT sẽ triển khai thực hiện để đảm bảo thực hiện tốt công tác cung cấp điện an toàn liên tục và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cụ thể như sau: Một là, tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500 kV trên cả nước trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam; đặc biệt quan tâm và tìm mọi giải pháp để giảm chỉ tiêu sự cố và tỷ lệ tổn thất điện năng. Đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 đối với toàn hệ thống và N-2 ở các khu vực quan trọng, đáp ứng các điều kiện để EVN cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải đến năm 2020 sản lượng điện truyền tải đạt khoảng 225 tỷ kWh, năm 2025 đạt khoảng 351 tỷ kWh, năm 2030 đạt khoảng 502 tỷ kWh, năm 2040 đạt khoảng 774 tỷ kWh. Hai là, đầu tư mở rộng kết hợp với cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu để Việt Nam có một hệ thống lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực; tập trung, tìm mọi giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách… xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch; tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu EVNNPT ...thực hiện tin học hóa các lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý và tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ 4.0, giảm chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp nhằm đáp ứng yêu cầu của các cấp độ thị trường hóa ngành điện; đầu tư, nâng cao năng lực thí nghiệm, sửa chữa và xử lý sự cố. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung phục vụ công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; bồi thường giải phóng mặt bằng; giá truyền tải điện; nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện Quốc gia đối với sự phát triển kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng; Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân đặc biệt là nhân dân sinh sống, làm việc, đi lại gần các tuyến đường dây 500 kV hiểu vai trò đặc biệt quan trọng của công trình này, để từ đó có thái độ, hành vi phù hợp góp phần bảo vệ an toàn công trình, cũng như không vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
               
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Vào đầu những năm 1990, trong khi các nhà máy điện ở Miền Bắc dư thừa công suất thì miền Trung và miền Nam lại thiếu điện nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển kinh tế và đời sống. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam để cấp điện cho miền Trung và miền Nam. Sau hơn 2 năm thi công, ngày 27/5/1994, công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 với chiều dài 1.487 km đã chính thức hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành, kết nối hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam hợp nhất trên toàn quốc. Ngay sau khi đi vào hoạt động, hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam đã không chỉ đảm bảo đủ điện cho miền Trung mà còn cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống. Hiện nay, hệ thống truyền tải điện quốc gia đang quản lý vận hành hơn 7.500 km đường dây 500 kV và 28 trạm biến áp 500 kV. Mặc dù lưới truyền tải điện nhiều nơi còn chưa đảm bảo đáp ứng tiêu chí N-1 (chưa có dự phòng), nhưng do nhiều công trình nguồn điện khu vực phía Nam chậm tiến độ nên lưới điện 500 kV Bắc - Nam luôn vận hành trong tình trạng đầy tải và quá tải, dẫn đến tổn thất tăng cao, nguy cơ sự cố, tình hình vi phạm hành lang lưới điện truyền tải vẫn còn diễn biến rất phức tạp song, hệ thống truyền tải điện quốc gia nói chung, lưới điện 500kV nói riêng đã cơ bản được vận hành an toàn, liên tục, ổn định. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, đã có khoảng 1.112 tỷ kWh điện được truyền tải trên hệ thống truyền tải điện quốc gia, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95 %/năm, góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Nguyên Long/Icon.com.vn