Truyền tải điện quốc gia: "Xương sống" trong hệ thống điện

Thứ hai, 18/6/2018 | 09:42 GMT+7
Mười năm qua, hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển mạnh về quy mô, ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ.
 
Ông Đặng Phan Tường (giữa) kiểm tra các dự án truyền tải điện.
 
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia – EVNNPT (1-7-2008 – 1-7-2018), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT.
 
Thành tựu to lớn, toàn diện
 
PV: Ông nhìn nhận thế nào về hệ thống truyền tải điện Việt Nam 10 năm qua?
 
Ông Đặng Phan Tường: Nhìn lại 10 năm qua, chúng ta thấy rõ được ý nghĩa lớn lao của những kết quả và thành tựu to lớn toàn diện mà EVNNPT đã đạt được. Đó là niềm vinh dự và tự hào chung của hơn 7.651 cán bộ, công nhân viên EVNNPT sau một chặng đường nhiều thử thách, cam go.
 
Hiện nay, EVNNPT quản lý vận hành 24.368 km đường dây 500 kV, 220 kV, 141 trạm biến áp (TBA) 500 kV, 220 kV với tổng dung lượng MBA là 81.288 MVA, tăng 120% về số TBA và tăng 217% về tổng dung lượng so với thời điểm thành lập.
 
Về công tác quản lý vận hành, trong những năm qua, EVNNPT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ và nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. 10 năm hoạt động, EVNNPT đã vận hành an toàn, liên tục, ổn định Hệ thống truyền tải điện quốc gia với sản lượng điện truyền tải là 1.184,7 tỉ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95%/năm. EVNNPT đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
PV: Trước xu thế mới của công nghệ thông tin, EVNNPT sẽ có những giải pháp nào để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới?
 
Ông Đặng Phan Tường: Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thấm sâu, tỏa rộng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Vì thế EVNNPT đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện, như: Lưới điện thông minh (Smart Grid), Trung tâm điều khiển từ xa, Trạm biến áp không người trực, vệ sinh sứ online, sửa chữa điện nóng, định vị sự cố…; triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát và thiết kế 3D, tăng cường giải pháp đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để giảm diện tích chiếm đất, để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy và ổn định của hệ thống truyền tải điện và cũng là để nâng cao năng suất lao động.
 
EVNNPT và mục tiêu vươn lên hàng đầu châu Á
 
PV: Theo dự báo, sắp tới các dự án nguồn điện ở miền Nam gặp nhiều khó khăn, EVNNPT sẽ thực hiện những giải pháp gì trong việc khắc phục khó khăn này để luôn đảm bảo cung cấp điện an toàn?
 
Ông Đặng Phan Tường: Để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ, EVNNPT đang khẩn trương triển khai các dự án đầu tư lưới truyền tải điện để giải tỏa công suất các nguồn điện phía Nam và nâng cao năng lực lưới truyền tải điện Bắc – Nam. Đó là các dự án đồng bộ trung tâm điện lực Long Phú, trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Sông Hậu…
 
Đối với các dự án nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc – Nam, EVNNPT đang triển khai rất khẩn trương các dự án đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) để tăng cường khả năng truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Đây là các dự án rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo trong bối cảnh các dự án nguồn điện miền Nam bị chậm tiến độ. Các dự án dự kiến khởi công trong quý III-2018.
 
PV: EVNNPT sẽ có những giải pháp nào để xây dựng và phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040?
 
Ông Đặng Phan Tường: Xét về các chỉ tiêu kinh tế - tài chính, trong 10 năm qua, tình hình tài chính của EVNNPT luôn ở mức ổn định, doanh thu truyền tải điện có xu hướng ngày càng tăng. Doanh thu tăng bình quân 18,9%/năm. Mục tiêu chiến lược là phát triển EVNNPT đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, đến năm 2025 vươn lên hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.
 
Để đạt được mục tiêu chiến lược, chúng tôi sẽ phải tập trung thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp trong các lĩnh vực hoạt động như: đầu tư xây dựng; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tài chính và huy động vốn…
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo: PLO