Tin mới nhất

Tổng công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội: Ðáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô

Thứ sáu, 16/4/2010 | 13:09 GMT+7

Ngày 12-1-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 60/TTG-ÐMDN, về việc thành lập các tổng công ty quản lý và phân phối điện trực thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5-2-2010, Bộ Công thương đã có Quyết định số 0789/QÐ-BCT, thành lập Tổng Công ty Ðiện lực Hà Nội. Phóng viên đã có  cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Ðức Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội, về hoạt động của Tổng công ty.

Đồng chí Trần Đức Hùng
Phóng viên (PV): Xin đồng chí khái quát chặng đường xây dựng và phát triển của điện lực Thủ đô?

Ðồng chí Trần Ðức Hùng (Ð/c TÐH): Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội (tiền thân là Nhà máy đèn Bờ Hồ) tên viết tắt là EVN HANOI, được Bộ Công thương Quyết định thành lập theo Quyết định số 738/QÐ-BCT ngày 5-2-2010 trên cơ sở nâng cấp và chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội. Ðược vinh dự thay mặt ngành điện cả nước bảo đảm vận hành cung ứng điện liên tục, an toàn, ổn định với chất lượng cao phục vụ các cơ quan Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các hoạt động chính trị, an ninh, văn hóa, ngoại giao, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước.

Trong suốt chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Từ một nhà máy điện nhỏ bé với hai tổ máy phát điện một chiều công suất 500kW do người Pháp xây dựng từ năm 1892. Ngày 10-10-1954 cùng với đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô, những người thợ điện Hà Nội đã về tiếp quản và từ thời điểm này, nhà máy chính thức thuộc về nhân dân. Ngày 21-12-1954, Bác Hồ kính yêu đã về thăm và động viên cán bộ công nhân viên Nhà máy đèn Bờ Hồ và ngày 21-12 hằng năm đã chính thức trở thành Ngày Truyền thống ngành điện lực Việt Nam theo Quyết định số 1594/QÐ-TTg, ngày 12-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc, với tinh thần "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", những người thợ điện Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, hy sinh, ngày đêm phục vụ quân và dân Thủ đô chiến đấu và sản xuất. Ðặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, trong bom đạn tàn phá ác liệt của giặc Mỹ, cán bộ, công nhân viên Sở Ðiện lực Hà Nội vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ các trạm điện, đường dây điện, bảo đảm cấp điện cho các trọng điểm và Ðài Tiếng nói Việt Nam, góp phần làm nên trận thắng Ðiện Biên Phủ trên không. Với những thành tích trong thời kỳ này, cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội đã được Ðảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ. Ðại thắng mùa xuân 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cũng như các ngành khác, ngành điện Hà Nội bắt tay vào phục hồi, củng cố và phát triển lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu về điện cho sự phát triển của Thủ đô. Ðây là thời kỳ khó khăn nhất của ngành điện: Nguồn điện thiếu, lưới điện cũ nát, chắp vá, nạn câu móc lấy cắp điện tràn lan. Sở Ðiện lực Hà Nội đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy nhanh tiến độ cải tạo lưới điện, tăng cường công tác kiểm tra từng bước đưa công tác cung ứng điện vào nền nếp.

Năm 1995 đánh dấu một bước phát triển mới của Tổng công ty, Sở Ðiện lực Hà Nội, từ một đơn vị hạch toán phụ thuộc, trở thành đơn vị hạch toán độc lập và được đổi tên thành Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội, là thành viên trong Tổng Công ty Ðiện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam).

 

Công nhân Tổng Công ty Điện lực sữa chữa nâng cấp trạm biến thế

Những năm đầu của thế kỷ 21, Thủ đô Hà Nội có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh mẽ. Ðể bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu về điện phục vụ công cuộc CNH, HÐH và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô, Tổng công ty đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính đổi mới phong cách và nâng cao chất lượng phục vụ, áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật mới vào công tác cải tạo, nâng cấp lưới điện, tập trung đầu tư các công trình thiết yếu, các dự án trọng điểm, đáp ứng nhu cầu về điện của các phụ tải. Góp phần quan trọng vào việc bảo đảm điện ổn định, an toàn, liên tục cho các kỳ Ðại hội Ðảng toàn quốc, các kỳ họp Quốc hội, các hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế diễn ra trên địa bàn. Về cơ bản, lưới điện Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa. Từ ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Tổng Công ty Ðiện lực TP Hà Nội đã tiếp nhận và quản lý lưới điện của tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngay sau tiếp nhận quản lý, Tổng công ty đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm biến áp chống quá tải và tổ chức tiếp nhận quản lý lưới điện của 222 xã và bán điện trực tiếp đến gần 500.000 hộ dân nông thôn. Mục tiêu của Tổng công ty phấn đấu hoàn thành tiếp nhận toàn bộ lưới điện nông thôn Hà Nội và bán điện trực tiếp đến từng hộ dân trong sáu tháng đầu năm 2010. Tính đến cuối năm 2009, Tổng công ty quản lý 33 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng 2.739 MVA, hơn 4.500 trạm biến áp phân phối, hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110kV trở xuống đã có mặt trên toàn địa bàn thành phố và bán điện cho hơn 1.700.000 khách hàng với sản lượng điện thương phẩm đạt 7.878,9 triệu KWgiờ, doanh thu bán điện đạt 8.438.891 triệu đồng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp trong chương trình giảm tổn thất điện năng, do đó tỷ lệ tổn thất điện năng giảm dần theo từng năm. Trước đây tỷ lệ tổn thất điện năng của lưới điện Hà Nội là 31% đến năm 2009 không tính ảnh hưởng tổn thất do tiếp nhận lưới điện nông thôn tỷ lệ này giảm còn 6,9%.

PV: Thưa đồng chí, đẩy mạnh kinh doanh đa ngành, đa nghề, nhằm khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành điện, Tổng công ty đã đạt được những kết quả gì trong lĩnh vực này?

Ð/c TÐH: Trong những năm qua, thực hiện chủ trương đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của Ðảng, Nhà nước và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội đã chủ động từng bước tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh khác theo cơ chế thị trường. Trong đó riêng kinh doanh viễn thông công cộng, toàn Tổng công ty đã có 378.249 thuê bao viễn thông, 365 trạm BTS và 801 km cáp quang với doanh thu hằng năm đạt hơn 200 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của Tổng công ty thực hiện đúng theo các quy định của Nhà nước đã bảo toàn và phát triển phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Hiện nay, Tổng công ty đang có cổ phần và góp vốn vào 11 doanh nghiệp là các công ty cổ phần, công ty liên doanh với nước ngoài trên các lĩnh vực kinh doanh tài chính, ngân hàng, thiết kế, xây dụng các công trình nguồn điện, sản xuất vật liệu điện, bất động sản...

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, từ công ty đến các đơn vị đã thực hiện tốt công tác an ninh-quốc phòng; quân sự địa phương, công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội,... Các phong trào văn hóa, thể dục-thể thao được duy trì phát triển tốt, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðời sống của cán bộ công nhân viên Tổng công ty không ngừng được cải thiện, thu nhập năm sau cao hơn năm trước, người lao động ổn định yên tâm công tác, gắn bó với Tổng công ty.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, Ðảng ủy Khối Công nghiệp Hà Nội và các cơ quan Ðảng cấp trên, Ðảng bộ Tổng công ty đã thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, và các tổ chức đoàn thể thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðây là nhân tố chính của sự thành công và đem lại các thành tích cao cho Tổng công ty. Trước yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới, để phù hợp với mô hình khi chuyển đổi lên Tổng công ty, Thành ủy Hà Nội đã quyết định nâng cấp Ðảng bộ Tổng công ty thành Ðảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Ðảng bộ Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội với 1.373 đảng viên (trong đó: 349 đảng viên nữ), sinh hoạt tại 14 đảng bộ trực thuộc và 46 chi bộ trực thuộc.

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án Ðiện lực Hà Nội trở thành Tổng Công ty Ðiện lực Hà Nội. Xin đồng chí cho biết cán bộ, công nhân viên ngành điện Thủ đô ý thức về niềm vinh dự và trách nhiệm này như thế nào?

Đ/c TÐH: Năm 2010 đánh dấu mốc phát triển đặc biệt quan trọng khi Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội chính thức hoạt động theo mô hình tổ chức mới, trong thời điểm này, Tổng công ty vừa phải nỗ lực nhanh chóng ổn định tổ chức của Tổng công ty và các đơn vị thành viên, đồng thời tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Bộ Công thương, Thành ủy, UBND thành phố và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam giao. Trước những cơ hội và thách thức đó, tập thể lãnh đạo và 6.540 cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội quyết tâm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Bảo đảm cung ứng điện ổn định và liên tục cho các hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội và phát triển kinh tế cho các đối tượng khách hàng trên địa bàn Thủ đô. Nhất là trong dịp thành phố tổ chức kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam giao. Nhanh chóng ổn định mô hình tổ chức của Tổng công ty và các đơn vị thành viên, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn Tổng công ty ổn định và hiệu quả ngay từ những ngày đầu thành lập. Tổ chức mô hình quản lý sản xuất hiệu quả, ổn định, lâu dài. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phù hợp với mô hình mới, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đào tạo lại, thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên vì sự phát triển bền vững của Tổng công ty. Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp theo khẩu hiệu "Thắp sáng niềm tin" của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phù hợp với bản sắc văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty thông qua việc đổi mới, cải tiến dịch vụ khách hàng. Ðẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến môi trường, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả... đi đầu trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển xanh, hiệu quả, bền vững.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Bộ Công thương, Thành ủy, HÐND, UBND thành phố, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận cùng với tinh thần lao động sáng tạo và trách nhiệm cao của tập thể cán bộ, công nhân viên, Tổng Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội quyết tâm tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Tổng công ty ngày càng ổn định và phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và đất nước.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Theo: Báo Nhân dân