Lãnh đạo NPT, PTC1 chỉ đạo khắc phục ngập lụt tại Trạm
Trong đợt mưa kỷ lục vừa qua, khu vực nội thành Hà Nội mưa đã rất lớn nhưng ở ngoại thành, đặc biệt là khu vực Hà Ðông lượng mưa còn dữ dội hơn nhiều. Thống kê trong 2 ngày 31/10 và 1/11, khu vực nội thành lượng mưa đạt 475 mm, còn khu vực Hà Ðông đạt gần 700 mm (vượt kỷ lục năm 1960). Thoát lũ cho TP Hà Ðông là hệ thống kênh, mương thu gom nước rồi đổ ra sông Nhuệ chảy về hướng Ðông – Nam. Hệ thống này được chia đôi bởi quốc lộ số 6 mới được nâng cấp, mở rộng. Do lượng mưa quá lớn, đổ dồn trong một thời gian ngắn, sông Nhuệ nước dâng tràn bờ, hệ thống thoát nước của Hà Ðông bị quá tải và vô hiệu, gây ra ngập lụt nhiều nơi. Trạm 220 kV Hà Ðông với một đường thoát nước duy nhất ra quốc lộ 6, lại có cốt nền thấp hơn khu vực xung quanh, nên cũng vì thế chịu chung số phận, úng lụt cục bộ, vào lúc cao điểm, nước dâng cao đến 1,6 m. Ðây là lần ngập lụt nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi Trạm được xây dựng (1963).
Chiều 3/11, tức là ngày thứ tư của trận lụt, dù mưa đã ngớt nhưng bầu trời vẫn xám xịt, ảm đạm. Nhiều tuyến phố Thủ đô lúc này vẫn còn ngập sâu. Ðoạn đường từ quốc lộ 6 vào Trạm 220 kV Hà Ðông dài khoảng 400 m cũng đang ngập nặng, chỗ sâu nhất ngót nghét 1m. Sau khi mất một hồi lâu dò dẫm lội bộ vào Trạm, ấn tượng đầu tiên của tôi là cảnh tượng ngập lụt, khắp nơi mênh mông một màu nước vàng đục. Song tiếng kêu ù ù của các MBA đang vận hành trong Trạm vẫn phát ra đều đều như tín hiệu cho thấy “bình yên” đã trở lại nơi đây. Tôi gặp anh Nguyễn Hữu Tùy – Trưởng Trạm trong Nhà điều khiển 220 kV khi anh đang cùng một số anh em tất bật sấy các hộp tủ bảng và tháo máy bơm ra sửa. Gương mặt các anh tỏ rõ vẻ mệt mỏi vì phải căng sức vật lộn với lụt lội suốt mấy ngày qua để cứu Trạm. Ðứng cạnh anh Tùy là anh Nguyễn Ðình Mậu và anh Trần Ngọc Thiện, hai anh đang trong ca trực vận hành. Các anh cho biết: Suốt từ hôm 31/10 đến nay, tất cả anh chị em đều cắm chốt ở đây, bám Trạm, bám thiết bị, đồng tâm hiệp lực chống lụt. Có thời điểm 2-3 giờ sáng, trời tối đen như mực, mưa xối xả, nước ngập sâu trong Trạm, anh em đều không ngại khó, ngại khổ và cả sự hiểm nguy đến tính mạng, “bơi” ra hiện trường, dầm mình trong nước cả tiếng đồng hồ để thao tác, tuân thủ phương thức vận hành bất thường, giữ an toàn cho Trạm. Ðồ ăn duy nhất trong những ngày qua chỉ có mì tôm và cháo. Nước uống cũng phải tiết kiệm vì mua từng bình đóng sẵn chuyển vào Trạm. Dù đạm bạc, vất vả, nhưng không ai bị tai nạn khi làm việc, giữ được sức khỏe và mừng nhất là Trạm được an toàn.
Anh Nguyễn Hữu Tùy kể lại: Bắt đầu từ 0h ngày 31/10, trời mưa to. Trực ca đã tiến hành chạy các máy bơm chống úng. Trưởng Trạm cùng các anh em đã dùng bao cát chắn cổng ra vào để không cho nước bên ngoài tràn vào Trạm. Tuy nhiên, mưa càng ngày càng to, nước trong Trạm dâng lên rất nhanh, 5 chiếc máy bơm (mỗi chiếc có công suất 100 m3/h) bơm liên tục, nhưng không xuể. Nước vẫn tiếp tục dâng lên, đến khoảng 2h30, nước đã tràn vào nhà 220 kV và 110 kV, ngập sâu 30 cm, tủ điều khiển trong nhà nước mấp mé chân hàng kẹp, toàn bộ hệ thống tủ ngoài trời của 25 ngăn lộ ngập trong biển nước. Anh em phát hiện phóng điện đầu cáp 22 kV nên Trạm đã xin Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1) cho tách 2 MBA 220 kV là AT3, AT4. Máy cắt 332 ở vị trí thấp nên trực vận hành phải tách mắy cắt 331 và 332 để đóng máy cắt 300 sau đó đóng lại 331 để cấp tự dùng cho Trạm từ phía MBA 110 kV. Tới 3h, Trạm bắt buộc phải cắt điện các ngăn lộ 22 kV và tách nốt 2 MBA 110 kV là T1 và T2. Như vậy, 4 MBA đã được tách an toàn, sa thải toàn bộ các phụ tải phía trung áp, điện 1 chiều cấp tự dùng cũng đã mất, thiết bị điều khiển của Trạm được chuyển sang hoạt động bằng 4 bộ ắc quy. Trạm cố gắng duy trì các lộ đường dây 110 kV và 220 kV để giữ vững điểm nút quan trọng trước sự cố rã lưới có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng đây thực sự vẫn chưa phải là thời điểm căng thẳng nhất vì mưa vẫn như trút nước, nước các nơi đổ dồn về ngày càng nhiều, 4 bộ ắc quy đang dùng không còn nhiều điện. Nếu không phản ứng nhanh, ắc quy hết điện, hệ thống điều khiển sẽ mất hoàn toàn tác dụng, Trạm sẽ cầm chắc sự cố nghiêm trọng.
Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, việc quan trọng nhất là phải đóng được MBA T1 để cấp tự dùng cho Trạm và đóng điện ngăn lộ 373 cấp điện cho Trạm bơm La Khê cứu úng cho toàn khu vực. Hai nhân viên của Trạm đã lặn ngụp cả buổi sáng ngày 31/10 để cắt các nguồn AC của các tủ dao cách ly và các thiết bị khác. Ðến 14h 15 cùng ngày, mưa đã ngớt, nước bắt đầu rút, khi đủ điều kiện vận hành, kíp trực đóng điện thành công máy biến áp T1. Như vậy, Trạm 220 kV Hà Ðông đã vượt qua được giờ phút nguy hiểm nhất. Tới 15h 45, các MBA T2, AT3, AT4 lần lượt được đưa vào vận hành, hệ thống rơ le bảo vệ được kê cao. 15h chiều 2/11, nước đã rút khỏi các nhà điều khiển 110 kV và 220 kV.
Ngay sau khi nước rút khỏi hai nhà điều khiển, anh em tiến hành ngay việc lau chùi, sấy khô các thiết bị tủ bảng điện, vệ sinh môi trường. Anh Tùy chỉ tay về phía túi giẻ lau mới mua và phân trần: “Việc lau chùi thiết bị trong cảnh lụt lột thế này cũng khó khăn lắm vì rất khó kiếm được giẻ còn khô. Mấy ngày mưa to cái gì cũng ướt cả. Tôi phải ra ngoài mua mãi mới được vài túi giẻ khô để cho anh em làm.” Anh nói tiếp: “Quả thật nếu không có sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao của cấp trên thì bản thân mình khó lòng xoay sở được.” Ngay từ đầu chiều 31/10, ông Nguyễn Hà Ðông - TGÐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) cùng lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã xuống Trạm thăm hỏi anh em và trực tiếp lội nước chỉ đạo công tác chống lụt và vận hành của Trạm. Ðến tối cùng ngày, ông Ðặng Hoàng An – Phó TGÐ EVN cũng đã tới Trạm kiểm tra. Tại đây, lãnh đạo EVN và NPT đều biểu dương, đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của CBCNV PTC1 trong việc “giải cứu” thành công Trạm khỏi sự đe dọa nghiêm trọng của trận lụt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị.
Sau mấy hôm trời tạnh ráo, tôi điện thoại cho anh Tùy hỏi thăm tình hình Trạm thì được biết Trạm đã hoạt động trở lại bình thường, giờ anh em đang tiếp tục lau chùi, vệ sinh các tủ bảng và môi trường. Tuy nhiên, trăn trở của anh là vấn đề cốt nền Trạm hiện nay thấp quá. Sắp tới, anh sẽ kiến nghị cấp trên phối hợp với chính quyền Thành phố có phương án giải quyết vấn đề thoát nước bên trong và khu vực xung quanh Trạm. Ðặc biệt, hai khu vực nằm gần Trạm là khu đô thị Lê Trọng Tấn và cụm công nghiệp Yên Nghĩa hiện có cốt nền cao hơn hẳn Trạm nên Thành phố cần sớm có phương án tiêu thoát nước hợp lý giảm sức ép úng ngập cho Trạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công tác quản lý vận hành tại “điểm nút” trọng yếu này.