Nhân viên điện lực đang kéo điện cho các hộ dân ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp trong dự án 2081 tại Hậu Giang.
Theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngành điện sẽ xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, câu chuyền, chia hơi) tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính. Dự kiến kế hoạch chuyển đổi này sẽ hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2020.
Xoay vốn cho dự án ngàn tỉ
Thực hiện theo chủ trương của EVN, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang khẩn trương rà soát, chuẩn bị các bước cho triển khai dự án đầu tư lưới điện nông thôn tiến tới xóa câu phụ (gọi tắt là dự án 2081).
Qua thống kê, để xóa được hoàn toàn các hộ sử dụng điện theo hình thức câu phụ, giai đoạn 2016-2020, EVN SPC cần bố trí nguồn vốn đầu tư 6.187 tỉ đồng với số hộ câu phụ được xóa là 365.962 hộ.
Trước đó, trong 2 năm 2016-2017, EVN SPC đã bố trí 295 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng và chi phí sản xuất kinh doanh để xóa 153.212 hộ sử dụng điện qua câu phụ có suất đầu tư dưới 2 triệu đồng/hộ (năm 2016) và 3 triệu đồng/hộ (năm 2017). Như vậy, để xóa hết các hộ câu phụ đến cuối năm 2020 thì trong 3 năm 2018-2020, EVN SPC cần bố trí nguồn vốn đầu tư khoảng trên 5.800 tỉ đồng.
Với khối lượng đầu tư rất lớn của dự án 2081, trong khả năng hiện có của mình, trước mắt, EVN SPC chỉ đủ bố trí xóa hộ câu phụ tại các khu vực chi phí thấp. Theo lãnh đạo tổng công ty này, có rất nhiều khu vực xóa câu phụ đang nằm trong dự án 2081 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020) nên việc xóa câu phụ ảnh hưởng đến khối lượng đầu tư và phụ thuộc vào tiến độ của dự án.
Do đó, để đạt được mục tiêu xóa hết hộ câu phụ đến cuối năm 2020, bên cạnh việc bắt buộc phải triển khai hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, đặc biệt là hoàn thành dự án 2081 thì EVN SPC cần phải tìm kiếm cân đối nguồn vốn khoảng trên 5.800 tỉ đồng. Theo đó, EVN SPC kiến nghị EVN xem xét bố trí bổ sung các nguồn vốn để thực hiện xóa câu phụ theo chủ trương chung của tập đoàn.
Trước mắt, trong năm 2018, EVN SPC tiếp tục cân đối các nguồn vốn để phân bổ bổ sung cho các công ty điện lực thực hiện xóa câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 4 triệu đồng/hộ. Dự kiến năm 2018, bố trí 190 tỉ đồng để xóa 48.000 hộ câu phụ thuộc nhóm này. Các giải pháp cấp vốn cho các công ty điện lực thực hiện xóa câu phụ chi phí thấp trong các năm 2016-2018 chỉ là giải pháp tình thế và từ sau năm 2018 thì các khu vực xóa câu phụ chi phí thấp sẽ không còn nữa và suất đầu tư cho các hộ câu phụ còn lại phải xóa trong các năm 2019-2020 là rất lớn, tương đương với suất đầu tư của dự án 2081 là khoảng 40-50 triệu đồng/hộ. Đến lúc đó, EVN SPC không còn khả năng tự cân đối nguồn vốn tự có để thực hiện. Vì vậy, để giải quyết căn cơ công tác này và hoàn thành mục tiêu xóa câu phụ đến cuối năm 2020, EVN SPC kiến nghị EVN và các bộ, ngành có chủ trương thực hiện đầu tư dự án để thực hiện.
Nỗ lực vượt bậc
Những năm qua, EVN SPC thực hiện tốt công tác cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Đặc biệt, trong năm 2017, không tiết giảm phụ tải, bảo đảm đủ điện để phục vụ nhu cầu an sinh xã hội và các sự kiện chính trị xã hội trên toàn địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam. EVN SPC và các đơn vị rất nỗ lực trong công tác kinh doanh và nâng cao chất lượng các dịch vụ điện, hiệu quả quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục, tạo mọi thuận tiện cho khách hàng.
Từ khi Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN SPC được đưa vào hoạt động, các thông tin, yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận, giải quyết kịp thời. Đến hết năm 2017, EVN SPC đã triển khai 100% cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến thông qua website của trung tâm trên. EVN SPC cũng ngày càng hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng, thông qua thước đo về đánh giá mức độ hài lòng khách hàng. Kết quả điểm số đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện đối với các đơn vị trong năm 2017 tăng cao hơn so với 2016. Trong đó điểm số trung bình về mức độ hài lòng của Trung tâm Chăm sóc khách hàng là 8,29 điểm, các công ty điện lực là 8 điểm.
EVN SPC còn thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về chỉ số tiếp cận điện năng. Đặc biệt trong thời đại cách mạng 4.0, EVN SPC đã tự động hóa một số khâu trong công tác kinh doanh để nâng cao dịch vụ khách hàng, như: Trang bị 2,4 triệu công tơ điện tử cho khách hàng dùng điện, trong đó có 2,2 triệu công tơ điện tử lắp đo ghi từ xa; ứng dụng công nghệ sửa chữa hotline và vệ sinh hotline hạn chế cắt điện khi bảo trì, sửa chữa điện cho khách hàng... Bên cạnh đó triển khai các chương trình, phần mềm rút ngắn thời gian công tác, tiết kiệm nhân công; hoàn thiện hệ thống thông tin nhằm chăm sóc khách hàng tốt nhất, bao gồm hệ thống GIS (hệ thống quản lý thông tin địa lý khách hàng), CMIS 3.0 (hệ thống thông tin quản lý khách hàng), CRM (hệ thống chăm sóc khách hàng).