Triển khai các giải pháp giảm tổn thất điện năng

Thứ ba, 6/10/2020 | 14:16 GMT+7
Năm 2019 sau khi tiếp nhận lưới 110kV nhưng chưa được đầu tư nâng cấp nên việc thực hiện chỉ tiêu tổn thất điện năng (TTĐN) của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) gặp khó khăn. 
Nối cao các trụ điện, tránh va chạm vào cây cối là một trong những giải pháp để giảm tổn thất điện năng - Ảnh: HNK​
 
Theo tính toán tỉ lệ TTĐN năm 2019 ở PC Quảng Trị là 4,61%. Mặt khác, cuối năm 2019 lưới điện 110kV vận hành thêm 2 nhà máy điện Đakrông 4 và Hướng Linh 1 trong khi dự án nâng cấp đường dây 110kV Đông Hà-Lao Bảo vẫn chưa hoàn thành nên dự báo năm 2020 TTĐN ở PC Quảng Trị là khoảng 4,73%.
 
Tuy nhiên với mục tiêu TTĐN chỉ đạt 4,38% mà Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao buộc PC Quảng Trị phải triển khai nhiều giải pháp để quyết tâm phấn đấu hoàn thành. Trên thực tế TTĐN tập trung chủ yếu vào đường dây 110kV Đông Hà- Khe-Sanh, Đông Hà- Lao Bảo. Hiện nay dự án nâng tiết diện theo dự kiến đến ngày 30/6/2020 hoàn thành nhưng đang chậm tiến độ nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch giảm TTĐN của đơn vị. Với tình hình phát triển các dự án năng lượng phía Tây Quảng Trị như hiện nay nên sau khi nâng tiết diện thì đường dây 110kV vẫn trong tình trạng quá tải và tiếp tục gây TTĐN cao. Mặt khác, PC Quảng Trị là đơn vị có điện thương phẩm thấp, điện nhận lớn và nguồn nhận phụ thuộc vào các nguồn phát, thời tiết, do đó việc điều hành chỉ tiêu TTĐN khi có biến động về điện nhận là rất khó khăn...
 
Vì vậy, PC Quảng Trị đã xây dựng đề án giảm TTĐN giai đoạn 2020-2025 với các nhóm giải pháp về tổ chức quản lý; đầu tư xây dựng; giảm TTĐN lưới điện 110kV… Riêng đối với kế hoạch giảm TTĐN lưới điện 110kV được coi là nhiệm vụ trọng tâm mà PC Quảng Trị phải tập trung giải quyết. Do đó, PC Quảng Trị kiến nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung đôn đốc các bên liên quan sớm hoàn thành dự án nâng tiết diện ĐZ 110kV Đông Hà- Khe Sanh-Lao Bảo trước 31/12/2020, bởi đây là dự án trọng điểm cho mục tiêu giảm TTĐN năm 2021 của PC Quảng Trị. Triển khai sớm dự án nâng tiết diện đường dây 110kV 220 Đông Hà và dự án đường dây 110kV 220 Đông Hà- Quán Ngang trong giai đoạn 2022-2023.
 
Về giảm TTĐN lưới điện trung hạ áp sẽ thay thế dần các máy biến áp vận hành trên 20 năm trên lưới bằng các máy biến áp tổn thất thấp. Tập trung đầu tư vào các vùng lõi TTĐN. Xây dựng TBA 110kV Mỹ Thủy, TBA 110kV Cam Lộ, TBA 110kV Triệu Phong, TBA 110kV Cửa Tùng, TBA 110kV Bắc Đông Hà. Tiếp tục cải tạo nâng tiết diện các xuất tuyến mang tải cao, vận hành lâu năm theo kế hoạch. Tập trung giảm TTĐN hạ áp theo tiêu chí TBA có sản lượng tổn thất kWh lớn, tỷ lệ TTĐN cao. Triển khai hoàn thành dự án nâng cấp TBA 110kV Tà Rụt trong năm 2021, dự án TBA 110kV Mỹ Thủy, Cam Lộ, Triệu Phong trong giai đoạn 2021-2023, xem xét đưa dự án 110kV Cửa Tùng, Bắc Đông Hà sớm triển khai trong giai đoạn 2023-2025. Tạo điều kiện cấp điện ở khu công nghiệp do liên danh VSIP-SUMITOMO-AMATA đầu tư tại huyện Hải Lăng đảm bảo tiến độ. Thay thế hoàn toàn công tơ cơ khí qua điện tử trong năm 2021. Tiếp tục bố trí nguồn vốn để nâng cấp lưới điện trung- hạ áp theo kế hoạch, đặc biệt bổ sung nguồn vốn cho dự án thay thế các máy biến áp thế hệ cũ sang máy biến áp tổn thất thấp. Bổ sung nguồn vốn cho các dự án cấy TBA giảm TTĐN bởi số lượng đầu tư hằng năm chỉ đủ để chống quá tải và cấp điện do phát triển khu dân cư. Phân bổ lượng công tơ điện tử đủ để thực hiện mục tiêu điện tử hóa hệ thống đo đếm 100% trong năm 2021.
 
Đối với giải pháp về quản lý kinh doanh, tiếp tục thực hiện 8 giải pháp quản lý kinh doanh, kỹ thuật vận hành cho lưới điện hạ áp đã triển khai hiệu quả. Tăng cường tần suất giám sát các điểm đo trên các chương trình RF-Spider, DSPM để sớm phát hiện và xử lý các bất thường. Về quản lý kỹ thuật, tiếp tục các giải pháp đã triển khai hiệu quả như luân chuyển máy biến áp, tách máy biến áp non tải và cấp điện từ lưới điện hiện có, luân chuyển tụ bù, cân pha san tải…Khai thác triệt để các phần mềm ứng dụng đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các tồn tại trên lưới. Triển khai các chuyên đề, phát động ra quân đảm bảo giảm triệt để TTĐN do hành lang. Tăng cường công tác nhiệt độ, tiếp xúc mối nối bằng các chuyên đề bồi huấn ép nối, bồi huấn sử dụng camera nhiệt và phân tích ảnh nhiệt, triển khai tăng tần suất kiểm tra camera nhiệt.
 
Bên cạnh đó là tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát mua bán điện theo từng năm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra sử dụng điện theo từng chuyên đề cụ thể và trọng tâm là khách hàng có sản lượng lớn, khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, khách hàng ở khu vực lưới điện nông thôn, trạm biến áp có TTĐN cao hoặc biến động bất thường qua từng tháng. Phối hợp với Sở Công thương, chính quyền địa phương để thực hiện chương trình phối hợp công tác kiểm tra phòng, chống và xử lý trộm cắp điện, đồng thời kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện. Tăng cường các biện pháp quản lý nghiệp vụ như sử dụng chương trình “Giám sát mua bán điện trên máy tính”, chương trình hệ thống quản lý dữ liệu công tơ từ xa MDMS, hệ thống RF Spider để sàng lọc, chọn mẫu và sớm phát hiện các khách hàng, các khu vực có dấu hiệu vi phạm sử dụng điện để từ đó có phương án kiểm tra và xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra sử dụng điện theo từng chuyên đề cụ thể và có trọng tâm. Thực hiện kiểm tra công vụ (đột xuất) trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng để góp phần tích cực, hiệu quả trong việc triển khai đề án giảm TTĐN tại PC Quảng Trị.
Theo: Báo Quảng Trị