Hướng tới sự phát triển bền vững
Sự chuyển đổi cơ cấu từ ngành năng lượng "hóa thạch" sang nguồn năng lượng tái tạo không chỉ góp phần thúc đẩy lĩnh vực kinh tế, sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội và môi trường. So với nguồn năng lượng hóa thạch thì các nguồn năng lượng tái tạo được coi là năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Không chỉ ở Việt Nam, đây cũng là xu hướng chung của thế giới trong cuộc CMCN 4.0. Theo Wood Mackenzie, Trung Quốc tiếp tục là câu chuyện lớn nhất về năng lượng mặt trời, nhưng quốc gia này được cho là sẽ giảm từ mức chiếm khoảng 55% thị trường (năm 2017) xuống còn 19% vào năm 2023 bởi sự phát triển của lĩnh vực này ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Ả-rập Xê-út, Ấn Độ, Chi-lê và một phần của châu Phi.
Đối với các nhà sản xuất như First Solar, SunPower và JinkoSolar, nhu cầu tạo tiền để cho sự tăng trưởng doanh thu. Áp lực giá có xu hướng dịu bớt khi ngành công nghiệp này phát triển, và điều đó mang lại lợi thế cho rất ít nhà sản xuất có quy mô để cạnh tranh với các đối thủ lớn này.
Sự khác biệt cũng bắt đầu trở nên quan trọng hơn bởi vì các nhà phát triển đang cố gắng tạo ra nhiều năng lượng hơn từ mỗi đơn vị diện tích trên mặt đất hoặc trên sân thượng. First Solar đang nâng cấp lên công nghệ Series 6, giúp giảm chi phí và mang lại năng lượng nhiều hơn một chút từ mỗi tấm pin mặt trời. Còn SunPower đang mở rộng sản xuất A-Series, giúp các tấm pin có hiệu suất 22.8% khi biến năng lượng mặt trời thành điện, và cũng đang mở rộng các tấm pin P-Series, sản phẩm đã đạt hiệu suất ổn định hơn 19%.
Nhiều cơ chế ưu đãi để phát triển năng lượng mặt trời
Ngoài những điều kiện thuận lợi về tài nguyên tự nhiên, Việt Nam hiện còn có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có hướng phát triển năng lượng tái tạo. Chính phủ đã có nhiều quyết định về cơ chế chính sách hỗ trợ, như: Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 về cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch; Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Quyết định 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/05/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam.
Trước những điều kiện thuận lợi đó, điện năng lượng mặt trời cho nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trở thành ngành kinh doanh tiềm năng, góp phần đưa cổ phiếu ngành này trở thành phân khúc nóng trên thị trường chứng khoán trong tương lai.
Cơ hội cho các nhà đầu tư tại Việt Nam
Nếu ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đạt được số lượng lắp đặt kỷ lục vào năm 2019 và các công ty có thể đáp ứng tối ưu các yêu cầu về giải tỏa công suất và xử lý nguồn thải thì đây hoàn toàn là một bước đi mang tính xu thế của cuộc CMCN 4.0.
Với việc xu hướng chính sách trên toàn cầu cũng đang ủng hộ năng lượng mặt trời thay thế nguồn năng lượng truyền thống, cổ phiếu ngành này càng có cơ sở thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chứng khoán.
Tại Việt Nam, các đơn vị sản xuất năng lượng sạch đã có bước đi tiên phong trong việc niêm yết cố phiếu trên sàn chứng khoán, trong đó có thể kể đến CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (mã SHE, sàn HNX); CTCP Licogi 13 (mã LIG, sàn HNX); CTCP Điện Gia Lai (mã GEG, sàn UPCOM), CTCP Create Capital Việt Nam (mã CRC, sàn HOSE). Trong đó, việc đàm phán hợp tác với JinkoSolar - nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới từ Trung Quốc của CTCP Create Capital Việt Nam hồi đầu tháng 8 vừa qua có thể mở ra nhiều cơ hội cho bản thân doanh nghiệp cũng như mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch trong nước, qua đó giảm phụ thuộc vào năng lượng tái tạo (thủy điện) và năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí, uranium). Hi vọng những bước đi này sẽ góp phần tạo nên một thị trường năng lượng cạnh tranh hoàn chỉnh và phát triển đồng bộ, gắn liền mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia với xu hướng hội nhập quốc tế.