Giữa lúc kinh tế châu Á điêu đứng vì giá xăng dầu tăng cao, các nước trong vùng ngày càng chú trọng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, và nguồn năng lượng dưới lòng đất, còn gọi là địa nhiệt, là một hướng nghiên cứu ưu tiên.
Theo các nhà phân tích, những quốc gia nằm trong khu vực được gọi là "vành đai lửa" ở ven Thái Bình Dương có thể khai thác được dạng năng lượng này với lượng đủ cung ứng cho nền kinh tế khu vực. Trong một báo cáo gần đây, Học viện Công nghệ Me-xơ-chu-xít (Massachusset - MIT) tại Mỹ đã khẳng định tiềm năng của địa nhiệt. MIT cho rằng chỉ riêng nước Mỹ đã có đủ năng lượng địa nhiệt để cung cấp cho toàn thế giới trong 30.000 năm. Theo MIT, tiềm năng này cũng có thể trở thành hiện thực ở một số nước châu Á.
Chỉ có điều, công nghệ khai thác nhiệt lượng từ lòng đất hiện rất tốn kém và nguy hiểm. Tuy nhiên, một số nước châu Á đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ mới khai thác năng lượng địa nhiệt. Theo Tiến sĩ Mác Tin-gay (Mark Tingay), chuyên gia năng lượng địa nhiệt của Đại học Công nghệ Curtin tại Pớt (Perth, Ô-xtrây-li-a), Phi-líp-pin và In-đô-xê-xi-a có tiềm năng địa nhiệt rất lớn nhờ vị trí địa lý nằm trên "Vành đai lửa ven Thái Bình Dương". Cả hai nước này đều có nhiều núi lửa đang hoạt động hoặc đã tái hoạt động thời gian gần đây./.
Mai Phương