Chuyển đổi số trong EVN

Trong tháng 1/2022 sẽ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với cơ sở dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thứ sáu, 21/1/2022 | 14:17 GMT+7
Ngày 21/01/2022 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ công bố “Hệ sinh thái số EVN - EVNCONNECT”. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam trên con đường trở thành Doanh nghiệp số vào năm 2025. 

Lễ ra mắt hệ sinh thái số EVN.
 
Đáng lưu ý, cùng với việc hoàn thành việc kết nối, liên thông hệ thống hóa đơn điện tử của EVN lên Hệ thống hóa đơn điện tử Quốc gia, kết nối liên thông với Tổng cục Thuế, trong tháng 1/2022 cũng sẽ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với cơ sở dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 
 
Trong nhiều năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong điều hành sản xuất kinh doanh. Năm 2021 EVN đã đẩy mạnh các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) với chủ đề năm là "Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam" với mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.
 
EVN đã hoàn thành kết nối hệ thống văn phòng số (Digital Office) với Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan hành chính Trung ương, địa phương trên Trục liên thông văn bản quốc gia và chính thức sử dụng từ 01/01/2022. Bên cạnh đó, EVN đã cấp chữ ký số nội bộ cho 100% CBCNV và ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.
 
Về kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, EVN đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ để kết nối kỹ thuật, kiểm thử, kiểm tra các điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ từ năm 2021. 
Ngay sau khi Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, EVN đã cùng tham gia với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ triển khai việc chuyển đổi hệ thống kết nối trên môi trường kiểm thử sang môi trường thật để sẵn sàng cho việc cung cấp 02 dịch vụ điện được giao trong Đề án là Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện. Với việc triển khai này, EVN đã hoàn thành sớm hơn 04 tháng so với nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg. 
 
Thượng tá Tô Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục C06, Bộ Công An cho biết: "Ngay trong tháng 1 năm 2022 sẽ hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với cơ sở dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mục tiêu kết nối chia sẻ phục vụ nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: xác thực số căn cước công dân và chứng minh nhân dân của khách hàng, giúp cập nhật cơ sở dữ liệu khách hàng đúng và đủ; thực hiện xác thực thông tin khách hàng khi đăng ký làm các dịch vụ cấp mới về điện; liên kết, chia sẻ thông tin khách hàng, tự động điền đầy đủ các thông tin cá nhân trên mẫu đơn đăng ký; chia sẻ thông tin số thành viên trong hộ gia đình để áp định mức sử dụng điện chính xác, hiệu quả; chia sẻ số hộ gia đình có cùng địa chỉ thường trú phục vụ quy trình cấp điện mới khi có nhiều công tơ trên cùng một địa chỉ…"
 
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN hiện đang cấp điện cho 99,65% số hộ dân trên toàn quốc. Số lượng khách hàng ký hợp đồng mua điện sinh hoạt của Tập đoàn hiện nay là 26,69 triệu khách hàng, chiếm 89,91% tổng số khách hàng của EVN. Bình quân hàng năm có thêm khoảng 1 triệu khách hàng mới và khoảng gần 1 triệu các yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng mua bán điện đã ký. Với việc các dịch vụ điện lực của EVN được thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng DVCQG sẽ giúp mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng. 
 
Việc kết nối này đồng thời với việc chuyển đổi số trong giải quyết các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của Tập đoàn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực như giúp giảm chi phí đi lại, không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với gần 20 triệu trang hồ sơ mỗi năm tương ứng với việc ký 1 triệu hợp đồng mua bán điện mới và khoảng 1 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký. Các hồ sơ giấy này được thay thế bằng thông tin trong CSDL dân cư, thông tin trên Cổng DVCQG, trong hồ sơ giao dịch điện tử giữa Điện lực và khách hàng. Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhấn mạnh: 
 
"Với hơn 29.000.000 khách hàng đang sử dụng điện, đây là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp gia tăng thêm các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, qua đó thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực thành thị, nông thôn, và là tiền đề vững chắc, góp phần mang lại thành công trong việc triển khai Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành…"
 
Ngày 07/01/2022, EVN đã hoàn thành việc kết nối, liên thông hệ thống hóa đơn điện tử của EVN lên Hệ thống hóa đơn điện tử Quốc gia, kết nối liên thông với Tổng cục Thuế. EVN là doanh nghiệp đầu tiên triển khai hoá đơn điện tử có kết nối trực tiếp đến cơ quan thuế và tiến tới là doanh nghiệp đầu tiên triển khai áp dụng hoá đơn điện tử theo quy định mới trên quy mô toàn quốc ngay khi các Cục Thuế tại các địa phương áp dụng hoá đơn điện tử theo quy định của Chính phủ.   
Năm 2021 vừa qua, EVN cũng đã trực tiếp kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money với VNPT, Viettel và kết nối qua đối tác trung gian với Mobifone sau khi các nhà mạng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Hiện nay, khách hàng của EVN có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đến nay đạt 95% với nhiều địa phương có tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt xấp xỉ gần 100%. Việc kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money giúp tăng thêm tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt.
 
EVN được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc lần thứ 3 liên tiếp vào năm 2021; Tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), đây là lần thứ 14 liên tiếp EVN nằm trong 10 doanh nghiệp dẫn đầu danh sách này. Các nỗ lực để cải cách các thủ tục cung cấp dịch vụ điện, nâng cao chất lượng dịch vụ điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN..
Nguyên Long