Dự án điện mặt trời 25MW tại Giang Tô, Trung Quốc kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới các tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Shutterstock
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp gần 60% tổng lượng năng lượng sạch mới được tạo ra trên toàn cầu đến năm 2030.
IEA cho biết trong 6 năm tới, tốc độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần so với giai đoạn trước. Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu xu hướng này nhờ các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ đối với năng lượng sạch.
Theo báo cáo, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ tăng trưởng vượt bậc, thậm chí có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện năng của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Mỹ cộng lại. Điều này vượt xa mục tiêu mà các quốc gia đã đề ra cho năm 2030.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, khẳng định sự tăng trưởng vượt bậc của năng lượng tái tạo hiện nay chủ yếu nhờ vào những đóng góp đáng kể của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ cung cấp hơn một nửa tổng lượng năng lượng tái tạo toàn cầu. Sự bùng nổ của năng lượng mặt trời đã khiến việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than tại nước này giảm rõ rệt.
IEA dự báo, đến năm 2023, năng lượng mặt trời sẽ chiếm đến 80% tổng lượng năng lượng tái tạo mới được bổ sung và trở thành nguồn cung cấp năng lượng tái tạo chính trên thế giới. Điều này là do giá thành của các hệ thống năng lượng mặt trời giảm và các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch để giảm chi phí điện ngày càng được áp dụng rộng rãi.
Ngành công nghiệp năng lượng gió cũng đang dần phục hồi sau một thời gian khó khăn do lãi suất tăng cao và giá cả nguyên vật liệu tăng, khiến các dự án điện gió ngoài khơi lao đao và ảnh hưởng.
Theo dự báo của IEA, trong giai đoạn 2024-2030, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp này sẽ tăng gấp đôi so với giai đoạn 6 năm trước. Tại Anh, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng gấp bốn lần năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030 và đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng tuabin gió nổi.
Theo báo cáo của Renewable UK, đến năm 2050, các trang trại gió nổi sẽ đóng góp 1/3 tổng công suất điện gió ngoài khơi của Anh. Điều này dự kiến sẽ đóng góp thêm 47 tỷ bảng Anh (61 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng ven biển, đặc biệt là ở Scotland và Wales.
Ông Birol nhấn mạnh: “Tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo đang vượt xa dự báo và mục tiêu của các Chính phủ. Điều này không chỉ được thúc đẩy bởi mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn nhờ vào sự giảm mạnh chi phí sản xuất, khiến năng lượng tái tạo trở thành lựa chọn kinh tế hơn cho nhiều quốc gia”.
Theo báo cáo, mặc dù năng lượng xanh đã tăng trưởng vượt mức mục tiêu 25%, thế nhưng vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm thiểu đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tại Hội nghị khí hậu COP28, hơn 120 quốc gia đã cam kết tăng gấp ba lần năng lượng sạch trước năm 2030. Theo ông Birol, mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu các quốc gia nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề xuất.
Để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, các quốc gia cần đầu tư vào việc nâng cấp hệ thống lưới điện và rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế đối với các nước đang phát triển đóng vai trò vô cùng quan trọng.
“Thật đáng buồn khi một nửa dân số châu Phi cận Sahara vẫn chưa được tiếp cận với nguồn điện ổn định. Mặc dù khu vực này sở hữu tiềm năng năng lượng mặt trời khổng lồ nhưng tổng tổng công suất của cả châu lục lại chỉ bằng một nước nhỏ bé như Bỉ” - ông nói.
Link gốc