Cáp mặt đất 10 kV dài 1 km được chôn trong kênh ngầm dưới đáy biển, loại bỏ nguy cơ bị tàu neo đậu làm hỏng như với cáp biển.
Cáp mặt đất được chôn trong kênh ngầm dưới đáy biển. Video: CGTN
Một sợi cáp mặt đất 10 kV được đặt thành công trong kênh đào ngầm dưới đáy biển ở vùng biển phía bắc thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang mới đây, đánh dấu sự hoàn thành của dự án đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc. Dây cáp giúp truyền tải điện giữa hai hòn đảo thuộc quần đảo Chu San, quần đảo gồm 2.085 hòn đảo với nhiều kích thước khác nhau.
Trước đó, các tuyến cáp biển luôn được coi là nguồn cung cấp điện quan trọng cho những hòn đảo. Tuy nhiên, lượng tàu thuyền qua lại khu vực này ngày càng tăng do sự phát triển nhanh chóng của ngành vận tải biển và đánh bắt cá. Khi neo đậu, tàu thuyền thường xuyên làm hỏng cáp biển. Các yếu tố như khí hậu, thủy triều cũng gây khó khăn cho việc phát hiện hư hỏng, trục vớt, đồng thời gây thiệt hại về kinh tế.
Chi nhánh địa phương của Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc cho biết, dây cáp mới dài 1 km, giúp thay thế cáp biển vốn dễ hư hại khi tàu neo đậu. Cáp mặt đất được chôn sâu hơn độ sâu neo đậu, nhờ đó giảm nguy cơ hỏng hóc, theo Li Zhen, người đứng đầu công ty thiết kế cho dự án,
Li cho biết, cáp mặt đất cũng có chi phí thấp hơn, phù hợp để truyền tải điện khoảng cách ngắn giữa các đảo. Phương pháp mới sẽ được áp dụng rộng rãi để kết nối những đảo có khoảng cách ngắn và trung bình, không quá 2 km. Mục tiêu dài hạn là thiết lập kết nối giữa các đảo có khoảng cách trung bình và dài.
Link gốc
Theo: VnExpress