Gần 2/3 công suất điện mặt trời và điện gió mới của thế giới vào năm 2023 được lắp đặt tại Trung Quốc. Ảnh: Greg Baker
Theo các cơ quan này, gần 2/3 công suất điện mặt trời và điện gió mới của thế giới được lắp đặt tại Trung Quốc, giúp tăng thêm tổng cộng 1,84 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
IRENA (có trụ sở tại Abu Dhabi) và ILO (một cơ quan của Liên hợp quốc) cho biết trong một báo cáo chung rằng, việc làm toàn cầu trong ngành này đã tăng 18%, từ 13,7 triệu lên 16,2 triệu. Nhưng báo cáo nêu lên mối lo ngại về "bức tranh toàn cầu không đồng đều" khi Trung Quốc chiếm 7,4 triệu việc làm (46%).
Ngành này sử dụng 1,8 triệu lao động ở Liên minh châu Âu (EU), 1,56 triệu lao động ở Brazil và gần một triệu lao động ở Mỹ và Ấn Độ.
Báo cáo lưu ý, "mặc dù có tiềm năng tài nguyên to lớn", tính đến năm ngoái, châu Phi chỉ có 324.000 việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera phát biểu rằng: "Câu chuyện về quá trình chuyển đổi năng lượng và những lợi ích kinh tế - xã hội của nó không nên chỉ xoay quanh một hoặc hai khu vực. Nếu tất cả chúng ta muốn thực hiện lời cam kết chung là tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, thế giới phải tăng cường hành động và hỗ trợ các khu vực thiệt thòi trong việc giải quyết các rào cản cản trở quá trình chuyển đổi của họ".
Mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 đã được đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Dubai năm 2023.
Theo báo cáo, tấm pin mặt trời hoặc quang điện mặt trời là ngành sử dụng nhiều lao động nhất với 7,2 triệu việc làm trên toàn cầu, trong đó có 4,6 triệu việc làm ở Trung Quốc.
Nhiên liệu sinh học lỏng tạo việc làm cho 2,8 triệu người, 1/3 trong số đó ở Brazil, trong khi số việc làm trong ngành thủy điện giảm nhẹ từ 2,5 triệu vào năm 2022, xuống còn 2,3 triệu vào năm ngoái. Trung Quốc và châu Âu lần lượt chiếm 52% và 21% trong tổng số 1,5 triệu việc làm trong lĩnh vực điện gió trên thế giới.
Link gốc