Theo kế hoạch dự thảo 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc sẽ khởi công các dự án năng lượng hạt nhân với tổng công suất đạt 40 triệu KW. Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở các khu vực ven biển, Chính phủ Trung Quốc còn quy hoạch xây dựng mới tại các khu vực trung tâm.
Một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc (Ảnh minh họa từ internet)
Mặt khác, Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng các trạm thủy điện dọc theo các con sông lớn như sông Kim Sa, sông Yalong, sông Dadu với công suất lắp đặt 120 triệu Kw. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tạo ra ít nhất 70 triệu Kw điện từ năng lượng gió và 5 triệu Kw từ năng lượng mặt trời chủ yếu ở các khu vực như Tây Tạng, Nội Mông Cổ, Ninh Hạ, Cam Túc, Thanh Hải, Tân Cương và Vân Nam.
Cũng theo kế hoạch dự thảo, Trung Quốc sẽ nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng than đá, duy trì khối lượng sản xuất dầu trong nước, đồng thời sẽ gia tăng nhanh chóng việc sản suất khí tự nhiên.
Cùng đó, trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ xây dựng khoảng 150.000 km đường ống dẫn dầu và khí đốt, bao gồm đường ống dẫn khí tới khu vực Trung Á, đường ống dẫn dầu tới Kazakhstan và Myanmar.
Dự kiến, kế hoạch trên sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI của Trung Quốc.
Trung Quốc đã và đang trở thành quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, năm ngoái nước này tiêu thụ sản lượng năng lượng tương đương 3,25 tỉ tấn than đá, tăng 5,9% so với năm trước đó.
Thực tế than đá chiếm tới 70% tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc và điều này đã tạo ra sức ép to lớn đối với việc bảo vệ môi trường và ứng phó với những biến đổi khí hậu.