Trung tâm năng lượng của miền Trung và bước đi của tỉnh Quảng Trị

Thứ tư, 16/1/2019 | 10:14 GMT+7
Với đặc điểm khí hậu và địa hình, Quảng Trị được coi là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp năng lượng. 


Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phần khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch của Quảng Trị.
 
Do đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị không ngừng cải thiện môi trường đầu tư bằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện các thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, tập trung vào thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp năng lượng, bao gồm nhiệt điện và năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời).
 
Đối với năng lượng tái tạo, về thủy điện, ngoài dự án thủy lợi - thủy điện Quảng Trị có công suất 64 MW do Tổng công ty Phát điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) quản lý, Quảng Trị có thêm 7 dự án thủy điện nhỏ đi vào hoạt động với tổng công suất 59,9 MW, 5 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 71,6 MW.
 
Về điện gió, dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2, công suất 30 MW, được triển khai đầu tư từ 2015, hoàn thành đưa vào vận hành quý III/2017; 15 dự án với tổng công suất 596 MW đã được quy hoạch đang triển khai đầu tư; 23 dự án với tổng công suất 1.325,45 MW đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch; UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 950 MW.
 
Về điện mặt trời, toàn tỉnh hiện có 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng công suất 149,5 MW, trong đó dự án điện mặt trời LIG - Quảng Trị đang đầu tư xây dựng, công suất 49,5 MW dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào quý II/2019. UBND tỉnh cũng đã trình Bộ Công Thương đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch cho 4 dự án với tổng công suất 200 MW và đồng ý chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 3 dự án với tổng công suất 200 MW.
 
Đối với nhiệt điện, Quảng Trị nhờ có địa hình đường đẳng sâu tại bờ biển Mỹ Thủy có thể xây dựng được cảng nước sâu và nguồn khí từ mỏ Báo Vàng, tại khu vực Đông Nam Quảng Trị sẽ hình thành Trung tâm Điện lực (bao gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí). Ngày 4/1/2019 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Khu bến cảng nước sâu Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng đã tạo thêm lợi thế cho tỉnh Quảng Trị trong phát triển công nghiệp.
 
Hiện nay, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị có công suất 1.320 MW do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến khởi công vào cuối năm 2019, đưa vào vận hạnh tổ máy số 1 vào tháng 12/2023 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2024, các bên hiện đang tích cực đàm phán các hợp đồng BOT. Nhà máy Nhiệt điện than Quảng Trị 2 có công suất 1.200 MW hiện đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định.
 
Ngoài ra, dự án Nhà máy Điện khí 340 MW của Tập đoàn Gazprom - CH Liên Bang Nga, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh).
 
Bước vào năm 2019, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là bứt phá, tăng tốc để đạt tốc độ tăng trưởng năm 2019 lên hơn 8% và duy trì được tốc độ này trong năm 2020.
 
Phát huy những kết quả đạt được và với quyết tâm cao của toàn tỉnh, năm nay, Quảng Trị tiếp tục tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, để khởi công 30 dự án, công trình trọng điểm, với tổng vốn đầu tư hơn 93 nghìn tỷ đồng chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.
 
Riêng lĩnh vực năng lượng, năm 2019 dự kiến khánh thành 2 dự án thủy điện (Đakrông 4 và La Tó), 1 dự án điện gió (Hướng Linh 1), 1 dự án điện mặt trời (LIG - Quảng Trị) với tổng công suất 123,1 MW và tổng mức đầu tư khoảng 3.866 tỷ đồng. Cạnh đó là dự kiến khởi công 7 dự án điện gió, 3 dự án thủy điện, 2 dự án điện mặt trời; 1 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 với tổng công suất 1.896 MW và tổng mức đầu tư khoảng 69.883 tỷ đồng.
 
Để đạt được các mục tiêu quan trọng này, bên cạnh việc chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương nhanh chóng đưa các dự án động lực trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động. Tất nhiên, tỉnh Quảng Trị sẽ tăng cường chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tránh hiện tượng "trên trải thảm, dưới rải đinh", nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tạo sự thống nhất chung về đơn giá đền bù (đối với các dự án năng lượng tái tạo) để tránh sự bất cập giữa các dự án trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường để phát triển bền vững, đặc biệt là bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân, gắn lợi ích của nhân dân với nhà đầu tư.
Theo: Năng lượng Việt Nam