Công nhân Tổng Công ty Điện lực miền Trung bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời trên đảo Trường Sa. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá hệ thống năng lượng mặt trời và điện gió trên quần đảo, tiến tới xin đầu tư, quản lý, vận hành, cung ứng điện cho các đảo trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong thời gian tới.
"Tập đoàn điện lực Việt Nam được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng đã tổ chức đoàn lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, người lao động xuất sắc tham gia đoàn công tác thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Chúng tôi cũng muốn cảm nhận trực tiếp về sự tham gia đóng góp của CBCNV của tập đoàn trong những năm qua và trách nhiệm trong thời gian tới với biển đảo quê hương, và trực tiếp là Trường Sa".
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong vai trò lãnh đạo, người lao động đại diện cho hơn 106 nghìn cán bộ, công nhân viên của tập đoàn được tham gia chuyến công tác thực tế tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016 vừa qua.
Tới thăm 14 điểm đảo và nhà giàn DK1, chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, quân và dân đang sinh sống, học tập và công tác tại nhiều điểm đảo còn khó khăn, vất vả, ông Lưu Quang Vinh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban tổ chức Công đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, chuyến đi đã giúp cho lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên ngành điện thấy được thực tế về sự hy sinh của những chiến sĩ và nhân dân trong việc bảo vệ biển đảo quê hương.
Cuộc sống của CNVC lao động ngành điện cũng rất là khó khăn, đặc biệt là những anh em ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Được chứng kiến cuộc sống và ý chí của các cán bộ chiến sĩ hải quân trên đảo thì bản thân tổ chức công đoàn chúng tôi cũng sẽ về vận động để mỗi người lao động ở tập đoàn, đặc biệt là những người lao động ở vùng sâu, vùng xa có ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần vượt khó để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ở mọi miền của Tổ quốc- ông Vinh cho biết.
Một nội dung quan trọng nữa của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa lần này, theo ông Phạm Mạnh Thắng - Thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trưởng đoàn công tác số 15/2016 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng gió, mặt trời và xem xét hiện trạng thực tế và nhu cầu sử dụng điện trên tất cả các điểm đảo và nhà giàn.
"Hiện nay cấp điện cho quần đảo Trường Sa chủ yếu là năng lượng tái tạo, điện gió và pin mặt trời. Ở Trường Sa có điều kiện rất tốt là số giờ nắng cao, gió cũng rất là tốt. Vào mùa gió thì hoàn toàn có thể dựa vào năng lượng gió để phát điện và tích trữ, thế nhưng vào mùa không có gió thì sẽ phải sử dụng các nguồn năng lượng khác. Tập đoàn Điện lực VN cũng đã phối hợp với Bộ tư lệnh hải quân tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng của hệ thống cung cấp điện cho các đảo cũng như các nhà giàn. Hiện nay đang ở bước đánh giá ban đầu, sau khi đánh giá xong thì tập đoàn sẽ xem xét để đầu tư nâng cấp và nâng cao công suất để đảm bảo có đủ điện sử dụng trong sinh hoạt, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cũng như sẵn sàng chiến đấu"- ông Thắng cho biết.
Bí thư Đoàn thanh niên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) - Tô Nhật Tân cho biết, chuyến đi đã cho anh kinh nghiệm để làm một tuyên truyền viên về biển đảo cho các đồng nghiệp trẻ. Sau khi tham gia khảo sát thực trạng cung cấp điện, là một cán bộ, kỹ sư về hệ thống điện, Tô Nhật Tân cho biết, hệ thống điện trên đảo hoạt động vẫn chưa đảm bảo, hệ thống tuabin, pin quang điện cơ bản đã được lắp đặt tốt nhưng hệ thống ắc quy tích điện vẫn đang còn hỏng hóc rất nhiều. "Vấn đề lớn nhất đó là hệ thống lưu trữ năng lượng, phải thay đổi công nghệ lưu trữ năng lượng. Trong đợt đi này, các đơn vị ngành điện và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cũng có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về việc lưu trữ năng lượng và chúng tôi hi vọng thời gian sớm nhất sẽ có một giải pháp tổng thể cho việc lưu trữ năng lượng trên đảo Trường Sa"- Tân cho biết.
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay đã có gần 98,8% (98,76%) số hộ dân trên cả nước được sử dụng điện. Riêng đối với điện biển đảo, EVN đã đảm nhận cấp điện cho 9/12 huyện đảo và đang tập trung các nguồn vốn để hoàn thiện công tác đầu tư các dự án (nằm trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), nhằm đảm bảo đến năm 2020 về cơ bản các hộ dân nông thôn được sử dụng điện.
Việc ra thăm, nghiên cứu thực tế hiện trạng cung cấp điện trên quần đảo Trường Sa còn là nơi bồi huấn tinh thần học hỏi, đức kiên trì và sáng tạo cho người lao động ngành điện trong việc đáp ứng nhu cầu về điện tại các vùng đảo xa bờ cũng như nghiên cứu về khả năng tận dụng nguồn năng lượng mới và tái tạo như điện gió, mặt trời tại các vùng biển của Việt Nam.